Hướng tới chính quyền phục vụ

09:44 - Thứ Năm, 11/01/2018 Lượt xem: 6837 In bài viết
ĐBP - Tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư lần thứ nhất, năm 2017 đã có 21 ý kiến của doanh nghiệp, nhà đầu tư chia sẻ và kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc gây nhiều trở ngại trong quá trình đầu tư kinh doanh, đặc biệt là thời gian và các thủ tục hành chính khi thực hiện dự án đầu tư. Tại hội nghị năm 2018 này, chỉ ghi nhận 7 ý kiến, chủ yếu liên quan đến vấn đề thu thuế. Con số kiến nghị giảm cũng đồng nghĩa với sự gia tăng về mức độ hài lòng của doanh nghiệp. Mặc dù chưa khẳng định tất cả, song phần nào cho thấy những kết quả bước đầu trong định hướng xây dựng nền chính quyền phục vụ mà tỉnh nhà đang hướng tới.

“Mở đường” cho doanh nghiệp

Là một trong những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp, những năm gần đây Công ty Cổ phần Chăn nuôi UVA Ðiện Biên đã bắt đầu tìm hiểu và quan tâm đến mắc ca - một loại cây công nghiệp có lợi ích kinh tế cao và đang tỏ ra khá phù hợp với địa phương. Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp lần thứ nhất, năm 2017, đại diện công ty đã đề nghị tỉnh xem xét, mở rộng diện tích và địa bàn trồng mắc ca, nhằm tạo điều kiện cho công ty nói riêng, các doanh nghiệp nói chung có nhu cầu vào đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, do diện tích trồng mắc ca toàn tỉnh hiện nay là 954,4ha, đã gần bằng hạn mức quy hoạch được Bộ Nông nghiệp & PTNT phê duyệt đến năm 2020 (1.070 ha), nên việc mở rộng diện tích là hết sức khó khăn. Ðứng trước vướng mắc giữa nhu cầu đầu tư và quy hoạch phê duyệt, trên cơ sở nghiên cứu đánh giá từ thực tế, Sở Nông nghiệp & PTNT đã xây dựng, ban hành văn bản và tham mưu UBND tỉnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xin chủ trương tăng diện tích quy hoạch trồng mắc ca đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với dự kiến tăng lên mức 3.000 - 4.000ha. Mặc dù chưa nhận lại được phúc đáp trả lời, song với những động thái kịp thời cũng đã ngầm khẳng định, tỉnh đã và đang nỗ lực “mở đường” để các nhà đầu tư phát triển, tiến tới.

 

Lãnh đạo Công ty TNHH Ðầu tư thương mại và dịch vụ Hoàng Anh kiểm tra hoạt động của hệ thống dây chuyền sản xuất đá khép kín.

Cũng là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, năm 2017 Công ty Cổ phần Tinh bột Hồng Diệp được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư Nhà máy Chế biến tinh bột sắn tại bản Pá Hẹ, xã Hẹ Muông (huyện Ðiện Biên), với số vốn đầu tư 70 tỷ đồng. Trao đổi về quá trình xin cấp phép đầu tư, ông Ðinh Văn Toản, Giám đốc Công ty cho biết: “Ngay từ đầu làm thủ tục xin cấp phép đầu tư, chúng tôi đã được các cấp, ngành quan tâm hướng dẫn chi tiết thủ tục cần thiết, đảm bảo theo đúng quy định pháp luật. Trong thời gian này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn cũng đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, qua đó nắm bắt và chỉ đạo tháo gỡ một số vướng mắc cho công ty. Thậm chí, với quy mô nhà máy dự kiến ban đầu mà chúng tôi đề nghị là 13.000m2, Chủ tịch UBND tỉnh còn gợi mở xem xét mở rộng diện tích, để đảm bảo quá trình sản xuất. Với sự quan tâm thống nhất chỉ đạo và tạo điều kiện về mọi mặt, đến nay Công ty đã hoàn thành 98% khối lượng công việc ban đầu và cho chạy thử thành công được 100 tấn tinh bột sắn”. Cũng theo trao đổi của ông Toản, cơ quan công quyền từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều cải thiện trong giải quyết các thủ tục hành chính theo hướng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Sự thay đổi này rõ nét hơn hẳn so với giai đoạn từ năm 2015 trở về trước, trong đó có một số thủ tục hành chính được rút ngắn còn 1/2 thời gian.

Xác định những tồn tại trong quá trình giải quyết các thủ tục đầu tư là nguyên nhân quan trọng hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp cũng như nhu cầu đầu tư vào địa bàn; thông qua việc tiếp thu những ý kiến, kiến nghị từ các cuộc đối thoại doanh nghiệp, UBND tỉnh đã kiên quyết, chỉ đạo mạnh mẽ việc cải cách hành chính theo hướng đổi mới, thuận tiện; yêu cầu các địa phương, cơ quan công quyền nghiêm túc chấn chỉnh, nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất trong đầu tư kinh doanh. Qua đó, không chỉ năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận “một cửa”, tiếp công dân được nâng cao, mà các thủ tục hành chính cũng giảm nhẹ, thời gian phê duyệt hồ sơ được rút ngắn theo hướng nhanh chóng, tiện lợi. Ðơn cử như việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp giảm xuống tối đa còn 3 ngày làm việc; giảm thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ 15 ngày xuống còn 10 ngày (đối với dự án không phải cấp quyết định chủ trương đầu tư), từ 37 ngày xuống 30 ngày (đối với dự án phải cấp quyết định chủ trương đầu tư)... Ðẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục liên quan về đầu tư, thẩm định dự án, giải phóng mặt bằng, đất đai, xây dựng, môi trường... theo hướng giảm 1/3 thời gian so với quy định, để doanh nghiệp triển khai nhanh chóng và thuận lợi.

Cam kết đồng hành

Với sự ủng hộ của các cấp, các ngành, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, năm 2017 các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh để duy trì và phát triển doanh nghiệp. Ðến nay toàn tỉnh đã có 1.130 doanh nghiệp (tăng 115 doanh nghiệp so với cuối năm 2016), với tổng số vốn đăng ký trên 15,6 nghìn tỷ đồng, mà chủ yếu là các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, hoạt động ở hầu hết khắp các lĩnh vực và địa bàn trong toàn tỉnh.

Trong năm 2017, tỉnh Ðiện Biên cũng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư 25 dự án, với tổng mức đầu tư đăng ký trên 3.200 tỷ đồng. Trong năm có 6 dự án hoàn thành đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư đăng ký 91,5 tỷ đồng. Ðáng nói, hiện nay UBND tỉnh đang giao các ngành tham mưu chủ trương đầu tư cho 9 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BT, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.680 tỷ đồng. Những con số lớn mạnh và tăng trưởng của doanh nghiệp, dự án phần nào cho thấy năm qua địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc “mở đường” và đồng hành cùng doanh nghiệp.

Xác định, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2016 - 2020, bên cạnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, việc huy động vốn từ các tổ chức, các nhà đầu tư khu vực tư nhân để đầu tư phát triển là đặc biệt quan trọng và hết sức cần thiết. Dự ước tổng số dự án kêu gọi, thu hút đầu tư giai đoạn này là 87 dự án, với tổng số vốn kêu gọi 16.182 tỷ đồng. Ðây là con số không quá lớn, song sẽ là thách thức không hề nhỏ với một địa phương miền núi còn nhiều khó khăn như Ðiện Biên.

Thể hiện rõ quan điểm, quyết tâm của tỉnh về vấn đề này, tại cuộc gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp lần thứ I, năm 2018 diễn ra vừa qua, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã thể hiện quyết tâm cao; nhất quán cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc chủ trương chỉ đạo của Trung ương Ðảng, Chính phủ về việc quyết liệt đổi mới, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính phục vụ, liêm chính, hành động. Thông qua thực hiện hiệu quả các giải pháp như: Xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật và không quá 1 lần/năm; chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự...

Với nhiều giải pháp quan trọng, đổi mới, Ðiện Biên khẳng định đã, đang và sẽ nỗ lực hết mình vì một môi trường đầu tư thông thoáng và minh bạch, với cam kết: “Tỉnh Ðiện Biên không chỉ mời gọi, mà cam kết sẽ đồng hành cùng các nhà đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ với tất cả các nhà đầu tư trên mọi lĩnh vực”.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top