Nâng cao chất lượng công tác khuyến nông

09:32 - Thứ Sáu, 12/01/2018 Lượt xem: 8435 In bài viết
ĐBP - Những năm qua, hệ thống khuyến nông tỉnh ta không ngừng được củng cố và phát triển, trở thành “cầu nối” chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, góp phần nâng cao trình độ sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.

Ðể nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông nhằm phục vụ các chương trình, mục tiêu của ngành Nông nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp huyện kiện toàn, bổ sung cán bộ trong hệ thống khuyến nông. Ðồng thời, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực khuyến nông viên, đảm bảo nguồn nhân lực có chuyên môn vững, tay nghề thành thạo. Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức 9 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 268 khuyến nông viên cấp xã về phương pháp, kỹ năng, kỹ thuật chuyên ngành; tổ chức 11 lớp tập huấn về kỹ thuật chuyên ngành trồng trọt, sản xuất lúa giống, sản xuất rau an toàn, kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt bằng phương pháp đệm sinh học, chăn nuôi một số loại cá nước ngọt cho 365 học viên là trưởng, phó bản và cộng tác viên khuyến nông. Ngoài ra, trung tâm và các trạm khuyến nông tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng nghìn lượt nông dân trên địa bàn. Nội dung các cuộc tập huấn tập trung vào những kiến thức căn bản về kỹ thuật chăn nuôi: Gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản; kỹ thuật trồng lúa, cây ăn quả. Song song với tổ chức các lớp tập huấn, hàng năm, cơ quan khuyến nông các cấp tổ chức khoảng 70 - 80 mô hình khuyến nông trình diễn như: Nuôi cá rô đầu vuông, cá diêu hồng, nuôi lợn thịt, gia cầm; ghép cải tạo nhãn; trồng, chăm sóc các loại cây thân gỗ…

 

Ðại biểu tham quan mô hình nuôi cá diêu hồng trong lồng tại hồ Hồng Khếnh, xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên). Ảnh: C.T.V

Bà Ðinh Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Kinh phí hàng năm phục vụ công tác khuyến nông khá hạn hẹp song đơn vị đã chủ động kết nối, liên hệ với các tổ chức có cùng mục tiêu để có kinh phí tổ chức các mô hình khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Tham gia mô hình trình diễn, nông dân được cấp phát cây, con giống, thức ăn, phân bón, thuốc phòng trừ dịch bệnh. Ðặc biệt, khi tham gia các mô hình người dân nắm được những kỹ thuật cơ bản trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao đã được người dân nhân rộng.

Từ năm 2015 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức mô hình trình diễn ghép cải tạo nhãn với tổng diện tích 1,5ha cho 30 hộ dân trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ và huyện Ðiện Biên. Mô hình này tận dụng cây nhãn có sẵn làm gốc ghép để phát triển giống nhãn mới cho năng suất, chất lượng cao hơn. Giống nhãn được Trung tâm Khuyến nông tỉnh sử dụng là PH-M99-1.1 có nguồn gốc từ tỉnh Hưng Yên, sai quả, to đều, vỏ mỏng, cùi dày, hạt nhỏ, chín muộn so với nhãn đại trà khoảng 20 ngày. Mỗi cây nhãn sau 2 năm ghép cải tạo sẽ cho thu hoạch, năng suất dự kiến những năm đầu là 50kg quả/cây. Ông Nguyễn Hồng Thái, tổ dân phố 16, phường Nam Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết: Gia đình tôi có 30 cây nhãn đã già, thoái hóa, hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2015, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình cải tạo giống nhãn, tôi tham gia và tiến hành ghép 15 gốc nhãn. Ðến nay, số gốc nhãn được ghép đã “hồi sinh”, cho quả to, sai và rất thơm ngon. Năm nay, nhiều thương lái vào hỏi mua nhãn với giá trung bình 20.000 đồng/kg.

Thực tế cho thấy, nâng cao chất lượng công tác khuyến nông giúp nông dân ứng dụng công nghệ phát triển nông nghiệp ngày càng hiệu quả. Tuy nhiên, các mô hình khuyến nông còn nhỏ về quy mô, hạn chế về số lượng trong khi nhu cầu của người dân rất lớn. Do vậy, ngành Nông nghiệp cần tiếp tục xây dựng nhiều mô hình điểm, đồng thời tăng quy mô, diện tích để nhiều hộ dân được tiếp cận những cách làm hay, kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp.

Nhật Phương
Bình luận
Back To Top