Mô hình tốt - cách làm hay

Hệ thống tưới nhỏ giọt giúp tăng năng suất cây trồng

09:39 - Thứ Sáu, 12/01/2018 Lượt xem: 6862 In bài viết
Là một nông dân nhạy bén, luôn tìm tòi để ứng dụng những kỹ thuật mới, sau khi tham quan về hệ thống tưới tiết kiệm và bón phân ở các huyện lận cận, anh Nguyễn Văn Bi, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) không ngại bỏ vốn đầu tư lắp đặt hệ thống này cho hơn 1ha trồng rau của mình.

Nếu đầu tư một hệ thống tưới tiết kiệm hoàn chỉnh đúng công thức bao gồm: ống nước tiếp thủy, van khóa nước, bơm cao áp thì chi phí đầu tư lên tới 6 triệu đồng/công (1 công = 1.000m2). Do vậy, để tiết kiệm chi phí, anh Bi đã điều chỉnh lại một số công đoạn để giảm chi phí đầu tư chỉ còn 4 triệu đồng/công, khấu hao của hệ thống là 5 năm.

Thông thường với 1ha đất của mình, anh Bi cần 5 - 6 công để chăm sóc, bón phân, sau khi sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, số công lao động giảm chỉ còn 1 - 2 công; giảm chi phí sản xuất do tiết kiệm công lao động, phân bón, nước từ 30 - 40%. Bên cạnh đó, nếu bón phân thông thường thì lượng phân bón hao hụt là rất lớn do phân bị rửa trôi, bay hơi... Còn nếu hòa phân và bón thông qua hệ thống tưới sẽ hạn chế được những vấn đề trên, giúp cây hấp thụ phân dễ dàng và hiệu quả hơn. Việc tưới nước nhỏ giọt và bón phân thông qua hệ thống tưới còn giúp đất tơi xốp, kết cấu đất không bị phá vỡ do áp lực tưới phun thông thường gây ra, từ đó năng suất cây trồng tăng.

Một điều cần ghi nhận nữa là hệ thống tưới nhỏ giọt sẽ khắc phục một số hạn chế liên quan đến địa hình và kết cấu đất. Nếu áp dụng cách tưới thông thường sẽ rất khó khăn cho việc kéo dây tưới. Nhưng với hệ thống tưới này thì việc tưới trở nên khá đơn giản và dễ dàng. Ðất anh Bi đang canh tác trước đây là đất cát chuyên trồng tre, trúc, một số hộ đã trồng thử rau ăn quả họ bầu, bí nhưng đều thất bại. Hiện nay nhờ hệ thống tưới nhỏ giọt này anh đã khắc phục được những nhược điểm của đất cát để trồng mướp đắng, dưa leo, bí, bầu. Rõ ràng hiệu quả kinh tế mà hệ thống này mang lại cho gia đình anh là rất lớn. Hy vọng, trong tương lai giá thành của hệ thống sẽ giảm, phù hợp với khả năng kinh tế của các nông hộ để mọi nông dân đều có thể đầu tư lắp đặt đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực hơn.

T.K (b/s)
Bình luận
Back To Top