Bản Mới I “mới” về tư duy

09:15 - Thứ Năm, 18/01/2018 Lượt xem: 6573 In bài viết
ĐBP - Ðược ví như “trái tim” của mảnh đất Ba Chà (Chà Nưa, Chà Cang, Chà Tở), bản Mới I (xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ) là nơi tấp nập giao thương buôn bán với đầy đủ các loại mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu cuộc sống nhân dân. Không chỉ thoát đói, giảm nghèo, với tư duy và cách làm ăn mới trong sản xuất nông - lâm ngư nghiệp, nhiều hộ dân trong bản đã vươn lên khá giả, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Khá lâu, chúng tôi mới có dịp về thăm vùng đất Ba Chà, vùng đất “cội nguồn” của người Thái ở Nậm Pồ. Không còn trong ký ức của một thời gian khó, Ba Chà giờ đây đang trỗi dậy mạnh mẽ với những bản mường trù phú, yên vui, những nếp nhà đã thay màu ngói mới rực hồng… Nằm nép mình bên dòng Nặm Bai, bản Mới I được xem như là minh chứng rõ nhất cho những “thay da, đổi thịt” của mảnh đất và con người nơi đây. Ngoài những nỗ lực, phấn đấu bền bỉ với lối “tư duy” mới trong cách làm ăn, cơ giới hóa nông nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, người dân bản Mới I đã góp công không nhỏ vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, đưa Chà Cang sớm thoát đói nghèo, đặc biệt cán “đích” nông thôn mới.

 

Ông Tao Văn Khím chăm sóc đàn dê.

Theo giới thiệu của người trong bản, men theo con đường mòn phía dưới thung lũng, được phủ xanh bởi những nương ngô, nương lúa, chúng tôi tìm đến gia đình ông Tao Văn Khím, người tiên phong phát triển mô hình trang trại của mảnh đất Chà Cang. Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng khu chăn nuôi, ông Tao Văn Khím, hồ hởi bảo: Trước đây, do thiếu kiến thức, tư liệu sản xuất, việc phát triển kinh tế chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính, với lối canh tác lạc hậu, chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu là “tự cung, tự cấp”. Những năm gần đây, được Ðảng và Nhà nước hỗ trợ sản xuất, phát huy tiềm năng, thế mạnh vùng đồi núi, nhiều bãi chăn thả, gia đình tôi mạnh dạn vay vốn, đầu tư xây dựng chuồng trại mua trâu, bò giống về nuôi... Nhờ sự trợ giúp “đắc lực” của cán bộ khuyến nông và kinh nghiệm lâu năm chăm sóc đàn vật nuôi; tích cực đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, phòng chống dịch bệnh nên đàn trâu, bò của gia đình tôi sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện gia đình tôi nuôi 20 con bò, 4 con trâu, 14 con lợn, 12 con dê và hàng trăm con gia cầm các loại; canh tác gần 4.000m2 lúa nước, 3ha nương sắn và đào 3.000m2 ao cá... Mỗi năm đem lại nguồn thu trên 100 triệu đồng. Kinh tế phát triển, có nguồn thu nhập, thời gian tới ông Tao Văn Khím dự định mở thêm trang trại, tận dụng tiềm năng sẵn có tăng đàn vật nuôi. Học tập theo mô hình trang trại của ông Tao Văn Khím, hiện trong bản có gần 10 hộ phát triển mô hình trang trại, gia trại. Ðiển hình, như: ông Lò Văn Lún nhờ chăn nuôi, phát triển kinh tế trang trại từ hộ nghèo lâu năm đến nay gia đình ông đã vươn lên ổn định cuộc sống.

Ðem những chuyện đầu xuân, góp vui với ông Lèng Văn Vĩnh, trưởng bản Mới I, chúng tôi càng thấu hiểu thêm những nỗ lực và khát khao dựng xây của mảnh đất và con người nơi đây. Từ chỗ không có tư liệu, phương tiện sản xuất với những đầu tư có trọng tâm, trọng điểm Ðảng, Nhà nước hỗ trợ cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng hệ thống kênh mương… Nhờ chăm chỉ làm ăn, trồng cây ngô, cây lúa áp dụng khoa học kỹ thuật cho năng suất cao đã gỡ bỏ “nút thắt” trong phát triển kinh tế cho bà con. Trưởng bản Lèng Văn Vĩnh, tiếp lời: Thời gian qua, với sự hỗ trợ của Nhà nước (Chương trình 135, Nghị quyết 30a, xây dựng nông thôn mới...) đã tạo tiền đề giúp kinh tế có sự chuyển mình rõ rệt. Tranh thủ sự ủng hộ của các cấp chính quyền, bà con trong bản đã tích cực lao động, sản xuất, từ bỏ lối canh tác lạc hậu, tập quán du canh, du cư; tích cực khai hoang, gieo trồng giống mới năng suất cao. Phát huy tính sáng tạo, cần cù bà con đã biết áp dụng tiến bộ khoa học, phương tiện kỹ thuật (cả bản hiện có 6 máy tuốt lúa công nghiệp) vào trồng trọt, sản xuất, nâng cao hiệu quả lao động, giảm thời gian lao động cũng như tăng năng suất lao động. Bản hiện có 68 hộ, nhưng chỉ còn 3 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo.

Với lợi thế là bản trung tâm, giao thông thuận lợi, tiếp giáp với các xã, thuận tiện cho việc giao thương, buôn bán, chính quyền xã và người dân trong bản đã xây dựng nhiều kiốt bán hàng tạp hóa; đồng thời cũng thu hút nhiều tiểu thương ở các vùng lân cận, thậm chí từ TP. Ðiện Biên Phủ vào thu mua nông sản. Xác định khai thác tiềm năng lợi thế, phát triển chăn nuôi; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn thay đổi cơ cấu sản xuất kết hợp xây dựng chuồng trại chăn nuôi; đến nay bản có gần 500 con gia súc, bình quân mỗi hộ có hơn 3 đầu gia súc. Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát huy tinh thần dân chủ, bà con trong bản đã tích cực vệ sinh nhà ở, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, tạo môi trường sạch đẹp, không nuôi nhốt vật nuôi dưới gầm sàn. Với tinh thần đoàn kết, nhiều hộ tích cực hiến đất xây dựng trường học, đường giao thông nông thôn, góp phần cùng với chính quyền hoàn thành 9/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Chia tay, bản Mới I cũng như vùng đất “Ba Chà”, chúng tôi tin với sự đoàn kết, chung một niềm tin hướng về sự phát triển, đổi mới, cuộc sống của người dân nơi đây sẽ đủ đầy và phát triển phồn thịnh hơn. Từ đó, góp phần cùng với Ðảng, hệ thống chính trị xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, sớm đưa Chà Cang thoát đói nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top