Kiên trì hành động vì doanh nghiệp

14:27 - Thứ Sáu, 19/01/2018 Lượt xem: 7711 In bài viết
Thực tế cho thấy, những diễn biến trong điều hành vĩ mô phát triển kinh tế đang là chuỗi hoạt động sôi động, phủ khắp cả nước với khí thế tự tin, phát huy thành tựu đã đạt được của năm qua. Đáng chú ý, Chính phủ, các cơ quan chức năng liên tục phát đi thông điệp, mục tiêu kiên trì và đẩy mạnh cải cách, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh... nhằm phục vụ doanh nghiệp đạt hiệu quả tối đa.

Nỗ lực liên tục

Chỉ số năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2017 đều tăng mạnh, tạo dấu ấn tốt với dư luận, nhất là với cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, chỉ số đổi mới, sáng tạo tăng 12 bậc, xếp thứ 47/127 quốc gia/nền kinh tế là thứ hạng cao nhất từ trước đến nay.

 

Đẩy mạnh cải cách, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Theo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ (ngày 6-2-2017) Về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, thời gian qua, việc cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh nói chung đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, từng bước lan tỏa và góp phần hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực, kịp thời. Trong đó, những bộ, ngành được ghi nhận vào cuộc tích cực, như: Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư... cùng một số địa phương, gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Đồng Tháp... Thực tế, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới trong năm qua đạt mức kỷ lục đã minh chứng cho hiệu quả công tác điều hành vĩ mô, nhất là trong cải cách hành chính, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh và tinh thần phục vụ doanh nghiệp của các cấp quản lý.

Riêng Bộ Công Thương đã rà soát và mạnh dạn thực hiện cắt bỏ 675 điều kiện đầu tư - kinh doanh không còn phù hợp, từ đó tạo "cú hích" rất lớn và nhận được sự đồng thuận của dư luận xã hội. Ngoài ra, Bộ này cắt giảm, hoặc đơn giản hóa 183 trong số 451 thủ tục hành chính, triển khai 161 trong tổng số 298 dịch vụ công trực tuyến. Các bộ, ngành khác cũng có những đóng góp cụ thể thông qua hoạt động rà soát, cắt bỏ, đơn giản hóa hàng loạt thủ tục, quy định, làm lợi cho nền kinh tế và doanh nghiệp hàng nghìn tỷ đồng.

Xét ở góc độ địa phương, hầu hết các đô thị lớn, trung tâm kinh tế đều có những hành động cụ thể nhằm nâng cao khả năng, hiệu quả phục vụ doanh nghiệp. Đơn cử, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội vừa chủ trì, phối hợp với các ngân hàng xây dựng, triển khai trang web dịch vụ để truyền, nhận và đối soát dữ liệu cấp số tài khoản cho doanh nghiệp; thống nhất với ngân hàng về phương thức và tiêu chuẩn kết nối đường truyền dữ liệu, cung cấp thông tin cho ngân hàng về doanh nghiệp đề nghị cấp số tài khoản... Các ngân hàng có trách nhiệm thường xuyên phối hợp với Sở để bảo đảm kết nối thông tin liên tục, ổn định; hỗ trợ doanh nghiệp mở tài khoản nhanh chóng. Bưu điện Hà Nội bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, đường truyền chuyển tiếp và thực hiện tiếp nhận thông tin cũng như chuyển phát kết quả giải quyết hồ sơ của Sở Kế hoạch và Đầu tư đến người nhận. 

Hành động, sáng tạo và hiệu quả

Tuy vậy, tình hình và kết quả đạt được chưa thể hài lòng, trong đó, doanh nghiệp vẫn phải đối diện những chi phí ở mức cao hơn mức mong muốn. Đơn cử, phí kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi tại cơ quan chức năng là khoảng 40-50 triệu đồng cho một lô hàng khối lượng 70 tấn; tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành khi thông quan vẫn ở mức 30-35%, trong khi mục tiêu của Nghị quyết 19-2017/NQ-CP đặt ra là giảm xuống còn 15% vào năm 2017. Như vậy, giữa thực tế và mục tiêu vẫn còn một khoảng cách đáng kể.

Thực tế trên đặt ra yêu cầu nhanh chóng cải thiện tình hình và quan trọng nhất là các cơ quan chức năng cần tiếp tục xác định được thực tế về dư địa cho cải cách để tiến hành những biện pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, năm nay, Bộ sẽ tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hướng tới mục đích kích thích hoạt động đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp. Đặc biệt, Bộ vừa kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết với nội dung đề cập đến môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh năm 2018, trong đó nhấn mạnh kỳ vọng đưa Việt Nam đạt thứ hạng 50-60 về môi trường kinh doanh, tức là tiếp tục tăng hạng một cách ấn tượng (so với mức 68/190 nền kinh tế của năm 2017). Và đương nhiên doanh nghiệp là đối tượng hướng tới, trực tiếp được hưởng lợi từ những quyết sách này.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung, cải thiện môi trường kinh doanh là mục tiêu lâu dài, nhưng cũng là thường xuyên, với tinh thần không thể bàn lùi. Vấn đề là khát vọng, quyết tâm hành động của cả đội ngũ, đến từng công chức, cán bộ; trong đó cần xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu đối với hiệu quả công việc. Cơ quan quản lý các cấp phải quán triệt tinh thần đổi mới, vào cuộc đồng bộ để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp từ khi ra đời đến lúc rút khỏi thị trường. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo của Chính phủ đối với các cơ quan hữu quan theo tinh thần tự giác, bám sát và tuân thủ phương châm 10 chữ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top