Trao “cần câu” cho nông dân

08:55 - Thứ Năm, 25/01/2018 Lượt xem: 7274 In bài viết
ĐBP - Chúng tôi cùng đoàn cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến thăm mô hình chăn nuôi lợn thịt của gia đình chị Lò Thị Lan, bản Nậm Khăn, xã Nậm Khăn (huyện Nậm Pồ). Ðây là gia đình tiêu biểu được các hội, đoàn thể, chính quyền ở cơ sở lấy làm mô hình điển hình để nhân rộng cho người lao động sau học nghề nông nghiệp. Chị Lan cho biết: Năm 2016, khi đăng ký theo học nghề kỹ thuật chăn nuôi phòng, trị bệnh cho lợn, mình bị một số người nói là “hâm” đấy!”. Hâm được hiểu theo cách giải thích của chị Lan là, bao năm nay không học nghề nuôi lợn vậy mà ai cũng biết nuôi đấy thôi. Vì thế họ cho rằng, học nghề kỹ thuật chăn nuôi lợn là thừa, là hâm, là không cần thiết. Nhưng trái với suy nghĩ của một số người, chị Lan vẫn quyết tâm theo học vì nghĩ, học mới biết chăm sóc như thế nào để lợn nhanh lớn, phòng bệnh ra sao để lợn không mắc bệnh hay mua lợn thì nên chọn giống nào cho phù hợp… Trước đây, nuôi theo kinh nghiệm lợn chậm lớn, thậm chí có con chết vì mắc bệnh không biết cách chữa. Vài ba bận chăn nuôi như thế không chỉ cụt vốn mà còn lỗ nặng. Vay vốn ngân hàng thì càng khó khăn hơn…

Ðúng như chị Lan nghĩ, sau học nghề biết được kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại… đàn lợn 5 con nuôi lứa đầu nhanh lớn mà không dịch bệnh. Xuất chuồng lứa đó, chị cứ nuôi gối đàn; năm vừa qua, chị xuất chuồng hơn 2 tấn lợn hơi, thu nhập bình quân của chị Lan khá ổn định, khoảng 3 triệu đồng/tháng. Có kỹ thuật nhờ học nghề chăn nuôi, chị Lan chẳng phải đi xa tìm việc làm mà vẫn có thu nhập từ chính nghề đã học. Không chỉ chị Lan, ở xã Nậm Khăn còn chị Lường Thị Huệ (bản Vằng Xôn 2) cũng có thu nhập hơn 2,5 triệu đồng/tháng từ nuôi lợn thịt nhờ học nghề kỹ thuật chăn nuôi phòng, trị bệnh cho lợn. Thu nhập ấy với chị Lan, chị Huệ hay nhiều nông dân chân chất vùng gian khó này là niềm mơ ước bấy lâu. Bởi làm chỉ bằng kinh nghiệm, chăn nuôi truyền thống thì đói nghèo vẫn bủa vây!

Không chỉ nghề kỹ thuật chăn nuôi phòng, trị lợn cho bệnh mà thời gian qua, số lao động nông thôn theo học nghề nông nghiệp cũng tập trung vào một số nghề, như: trồng nấm, trồng và khai thác rừng, kỹ thuật sản xuất rau an toàn, trồng lúa, cây ăn quả, chè… đã góp phần quan trọng thay đổi nhận thức cho nông dân trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi.

Ðể đào tạo đúng nghề nông dân cần, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến huyện đã chỉ đạo quyết liệt trừ khâu rà soát, xác định lại nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Với quan điểm, việc xác định nhu cầu đào tạo phải gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vùng sản xuất hàng hóa tập trung và xây dựng nông thôn mới; ưu tiên đào tạo các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là đào tạo phải gắn với giải quyết việc làm, đào tạo gắn với các mô hình thực hành và tham quan trên vùng nguyên liệu. Với cách làm này, trong 2 năm qua (2016 - 2017), toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 7.000 lao động nông thôn, trong đó có tới hơn 5.100 người được đào tạo nhóm nghề liên quan đến an sinh xã hội nông thôn; 1.318 người phục vụ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Sau học nghề, có tới 6.514 người (chiếm hơn 93%) có việc làm nhờ tự sản xuất làm việc trên diện tích đất sản xuất của gia đình. Cùng với đào tạo nghề, các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả cho lao động nông thôn theo từng nhóm nghề ở địa phương. Ðơn cử, trong năm 2016 hàng loạt các mô hình đã được thực hiện ở các huyện, như: 3 mô hình trồng và chế biến nấm (huyện Nậm Pồ, Tuần Giáo), 4 mô hình kỹ thuật chăn nuôi phòng, trị bệnh cho lợn (huyện Nậm Pồ, TX. Mường Lay); trồng và khai thác rừng (huyện Mường Nhé), kỹ thuật trồng thâm canh cây ăn quả (huyện Tuần Giáo). Tỷ lệ có việc làm của người lao động sau khi học nghề theo mô hình này đều đạt 100%, mức thu nhập hàng tháng từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.

Với mục tiêu, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động và thị trường lao động, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm tại chỗ, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chú trọng xây dựng các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả cho lao động nông thôn theo từng nhóm nghề để tổ chức triển khai nhân rộng. Khuyến khích lao động nông thôn vay vốn học nghề để nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề đã được học, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ dạy nghề của Ðề án Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Minh Thùy
Bình luận
Back To Top