Ðột phá trong sản xuất nông nghiệp

09:06 - Thứ Tư, 31/01/2018 Lượt xem: 7734 In bài viết
ĐBP - Những năm qua, chính sách hỗ trợ khai hoang, phục hóa mở rộng diện tích đất canh tác nông nghiệp theo Nghị quyết 30a của Chính phủ được cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai quyết liệt, có hiệu quả. Giờ đây, trên địa bàn các huyện vùng cao, những bãi đất trống bỏ hoang được phục hóa thành ruộng lúa; những triền đồi được hạ độ cao, khai hoang thành ruộng bậc thang góp phần mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.

Tăng diện tích lúa nước

Nếu như trước đây ai đã từng đến các bản vùng cao biên giới: Nà Bủng 1, Nà Bủng 2, Nậm Tắt và Pá Kha (xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ), bây giờ trở lại chắc chắn sẽ ngạc nhiên. Sự ngạc nhiên đó đến từ những đồi trọc đã biến thành những ruộng lúa đông xuân xếp bậc thang tăm tắp. Những thửa ruộng bậc thang ấy là thành quả khai hoang phục hóa với bao mồ hôi công sức của bà con nơi đây. Ông Giàng A Ly, bản Nương (xã Nà Bủng) cho biết: Năm 2017, gia đình tôi khai hoang được gần 1ha ruộng bậc thang gồm 8.000m2 ruộng 2 vụ và gần 2.000m2 ruộng 1 vụ. Những chỗ đất mềm, dễ cải tạo thì gia đình tự làm; những chỗ khó, nhiều đá thì phải thuê máy. Trước đây, gia đình có rất ít ruộng và chỉ làm được vụ mùa, chủ yếu là canh tác trên nương nên lúa gạo ít, dễ bị thiếu đói. Ðây là năm đầu tiên tôi gieo cấy lúa đông xuân trên ruộng bậc thang khai hoang. Mong là cây lúa sẽ sống khỏe, cho nhiều thóc gạo.

 

Người dân xã Lao Xả Phình (huyện Tủa Chùa) làm đất chuẩn bị gieo cấy vụ đông xuân 2017 - 2018 trên chân ruộng khai hoang.

Ðược biết, giai đoạn 2015 - 2017, xã Nà Bủng đã khai hoang, phục hóa được 20ha ruộng bậc thang, gồm 5ha ruộng 2 vụ và 15ha ruộng 1 vụ. Trước đây, thường đến mùa làm nương người dân mới dắt díu nhau lên rừng, cuốc đất tra hạt nhưng khoảng 2 năm gần đây, phong trào khai hoang ruộng bậc thang bắt đầu được người dân hưởng ứng. Hầu như 100% các bản đều có diện tích ruộng khai hoang mới. Vụ đông xuân năm 2016 - 2017 là vụ đầu tiên xã Nà Bủng sản xuất lúa đông xuân với diện tích 3ha, năng suất đạt 38 tạ/ha. Thành quả cấy lúa nước vượt kỳ vọng của người dân so với trồng lúa nương đã tiếp thêm động lực để xã Nà Bủng vận động bà con khai hoang, mở rộng diện tích vụ đông xuân năm nay lên 5ha. Nhờ tích cực khai hoang, tổng diện tích lúa toàn xã đạt 175ha, tăng 20ha so với năm 2015 (trong đó có 5ha lúa 2 vụ).

Cùng là địa bàn vùng cao, dân Nà Bủng làm được thì không lý gì mình không làm được! Thế là người dân các xã: Chà Cang, Chà Nưa, Na Cô Sa, Nà Khoa... cũng tích cực khai hoang, mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2015 đến nay, sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân khắp các xã trên địa bàn đã giúp huyện Nậm Pồ khai hoang được 314ha, phục hóa 42ha ruộng bậc thang. Nâng tổng diện tích ruộng nước toàn huyện hiện đạt 2.000ha, tăng 60% so với năm 2013 (năm thành lập huyện); sản lượng lương thực tăng bình quân 1.000 tấn/năm.

Tủa Chùa cũng là huyện thực hiện hiệu quả chính sách khai hoang, phục hóa. Năm 2017, huyện Tủa Chùa đã khai hoang mới được 65ha lúa nước, với năng suất tăng 1 tạ/ha, qua đó góp phần nâng tổng sản lượng lương thực toàn huyện lên 22.338 tấn, tăng 0,68% so với chỉ tiêu kế hoạch năm. Ðiển hình là xã Xá Nhè, năm 2017 UBND huyện giao chỉ tiêu gieo cấy 60ha lúa đông xuân, nhưng người dân đã thực hiện vượt 8ha.

Giảm canh tác trên nương, giảm phá rừng

Ông Lờ A Tráng, Chủ tịch UBND xã Xá Nhè cho biết: Từ năm 2009 đến nay, UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện phối hợp với chính quyền các xã tập trung vận động người dân khai hoang, phục hóa để canh tác lúa nước, đào ao thả cá. Diện tích khai hoang, phục hóa liên tục tăng qua các năm. Hiệu quả bước đầu, người dân học nhau khai hoang mở rộng diện tích, từng bước ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; năng suất, sản lượng ổn định, an ninh lương thực được đảm bảo giúp nhiều hộ thoát nghèo, hộ cận nghèo vươn lên kinh tế trung bình, khá. Nhờ đó, người dân dần hạn chế làm nương, công tác trồng và tái sinh rừng có hiệu quả hơn. Nhiều năm nay, xã Xá Nhè không xảy ra cháy rừng, phá rừng làm nương.

Giai đoạn 2015 - 2017, xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) khai hoang được trên 20ha ruộng bậc thang, đạt 166,7% chỉ tiêu Nghị quyết đại hội Ðảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra (cả nhiệm kỳ khai hoang 12ha). Diện tích lúa ruộng tăng, bình quân lượng thực đạt 461kg/người/năm. An ninh lương thực được đảm bảo, vì vậy năm 2017, Chà Nưa là xã duy nhất của huyện Nậm Pồ không phải nhận gạo cứu đói giáp hạt. Hiện nay, người dân 8/9 bản của xã Chà Nưa đã bỏ canh tác trên nương, tập trung sản xuất lúa ruộng, 100% diện tích nương để khoanh nuôi tái sinh rừng. Năm 2017, diện tích rừng của xã tăng trên 630ha so với năm 2016. 5 năm gần đây, Chà Nưa không xảy ra vụ cháy rừng, phá rừng nào. Bảo vệ rừng tốt nên người dân được hưởng lợi từ rừng, hàng năm, bình quân mỗi hộ thu nhập 5,3 triệu đồng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ chia sẻ: Hiện nay, toàn huyện khoanh nuôi, bảo vệ 60.000ha rừng, tăng gần 10.000ha so với năm 2013, tỷ lệ che phủ rừng đạt 40%. Kết quả này có đóng góp không nhỏ của phong trào khai hoang, phục hóa ruộng bậc thang. Nhờ khai hoang ruộng nước, người dân bỏ làm nương, khoanh nuôi tái sinh rừng.

Những thửa ruộng bậc thang tầng tầng xanh mướt, những cánh rừng rậm rạp thay thế những ngọn đồi trọc, cằn cỗi năm nào là thành quả lao động miệt mài của người dân và sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện chính sách khai hoang, phục hóa mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top