Thăm “làng nghề” bánh đa phở Hoàng Công Chất

08:19 - Thứ Năm, 01/02/2018 Lượt xem: 8663 In bài viết

ĐBP - Những ngày cuối năm, chúng tôi tìm về thôn Hoàng Công Chất, xã Thanh An, huyện Điện Biên - nơi đã và đang nổi tiếng với nghề sản xuất bánh đa phở. Đến khu vực đầu xã, chúng tôi được một người dân chỉ đường: “Các anh cứ đi thẳng, khi nào thấy một con đường bê tông 2 bên phơi rất nhiều phên bánh đa phở thì đó là thôn Hoàng Công Chất”.

Người dân phơi bánh đa phở bên đường vào thôn Hoàng Công Chất, xã Thanh An, huyện Điện Biên.

Quả đúng như lời người chỉ đường, dọc 2 bên con đường bê tông vào thôn Hoàng Công Chất là những phên bánh đa được người dân phơi thành hàng dài. Có gia đình dựa phên bánh đa vào tường bao; có gia đình làm thành giàn phơi trên bãi đất trống. Vào thăm gia đình anh Phạm Văn Tường, 23 năm làm nghề sản xuất bánh đa phở, ngay ở đầu thôn Hoàng Công Chất; trong tiếng máy xay bột chạy ù ù, anh Tường chia sẻ: “Vào dịp tết năm nào cũng vậy, gia đình tôi bận lắm, sản xuất bánh đa phở không kịp để cung cấp cho thị trường. Từ sáng đến giờ nhận rất nhiều cuộc điện thoại để đặt hàng nhưng làm không thể kịp; có những cuộc gọi tôi phải từ chối. Những ngày gần đây khách đến lấy hàng liên tục mà không có hàng để bán. Nhiều khi đã hẹn để hàng cho người này, nhưng người khác lại tranh lấy trước. Vẫn biết là hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán thường “cung” không đủ “cầu”, nhưng không thể tăng “công suất” lên được nữa, vì điều kiện không cho phép, bởi nhiều lý do, như: phên tre có hạn; không có giàn phơi, chỗ phơi; không đủ dụng cụ chứa bột; rồi còn phải giữ sức khỏe nữa…”. Theo anh Tường, trong một năm thường bận vào dịp tết, còn ngày thường chỉ sản xuất đủ lượng hàng cung cấp ra thị trường cho các tiểu thương và xuất đi một số địa bàn, như: huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu); thị xã Mường Lay; xã Mường Lói, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên)… Bình thường, gia đình anh sản xuất trên 2 tấn gạo nguyên liệu mỗi tháng, tương đương 1,8 tấn bánh đa phở thành phẩm. Còn dịp cuối năm, gia đình sản xuất từ 4 - 5 tấn gạo/tháng và thuê từ 3 - 4 người làm mà vẫn không đủ hàng cho khách.

Cũng tại thôn Hoàng Công Chất, gia đình anh Ngô Quốc Sự với 24 năm làm nghề sản xuất bánh đa phở và lượng hàng tiêu thụ cũng tương đương gia đình anh Phạm Văn Tường. Nói về việc sản xuất hàng những tháng cuối năm, anh Sự cho biết: “Hàng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán là thị trường bánh đa phở lại trở nên sôi động. Năm nay, để phục vụ tết, gia đình tôi phải chuẩn bị hàng từ tháng 9, tháng 10 thì mới đủ cung cấp cho thị trường. Tính sơ bộ, những tháng cuối năm gia đình tôi phải sản xuất hàng chục tấn gạo mà vẫn không có hàng để bán. Vào dịp cao điểm như thế này, chúng tôi phải tranh thủ tất cả những ngày nắng trong tháng để tăng cường sản xuất bánh đa phở”.

 

Anh Phạm Văn Tường, thôn Hoàng Công Chất, xã Thanh An, huyện Điện Biên phơi bánh đa phở tại vườn của gia đình. 

Ông Chu Văn Nhàn, Trưởng thôn Hoàng Công Chất, cho biết: Người dân ở đây làm nghề sản xuất bánh đa phở từ hơn 30 năm nay. Trước kia, rất nhiều hộ làm, nhưng không hiểu lý do gì mà đến nay cả thôn chỉ còn chưa đến 10 hộ duy trì nghề. Những năm gần đây, các hộ làm bánh đa phở hầu hết đã đầu tư thiết bị, máy móc để sản xuất nên không còn tình trạng xay bột thủ công như trước kia; hiệu quả công việc cao hơn, đỡ vất vả hơn; kính tế gia đình của các hộ ngày càng phát triển, đời sống ổn định, và còn tạo thêm việc làm cho một số người dân trên địa bàn. Hiện nay, việc sản xuất bánh đa phở của người dân vẫn là tự phát; sản xuất nhỏ lẻ, chưa có định hướng. Nguyện vọng của những hộ làm nghề là muốn được chính quyền địa phương quan tâm, hướng dẫn, giúp đỡ họ thành lập một hợp tác xã nhỏ chuyên sản xuất bánh đa phở; vừa để mở rộng, phát triển quy mô sản xuất; vừa để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ nhau giữa các hộ làm nghề.

Trao đổi vấn đề này với bà Lò Thị Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh An, được biết: Hiện nay trên địa bàn xã Thanh An cũng có một số thôn, bản sản xuất bánh đa phở, bún khô, miến dong… Nhưng tập trung và sản xuất nhiều chủ yếu ở thôn Hoàng Công Chất. Hiện nay bà con đang tích cực sản xuất hàng để cung cấp cho thị trường tết. Trước đây, xã cũng đã có ý tưởng thành lập một hợp tác xã nhỏ chuyên sản xuất bánh đa phở, bún khô… Nhưng nhận thấy nhiều bà con làm nghề vẫn chưa hiểu rõ và thấy được lợi ích của việc thành lập hợp tác xã nên bà con không mặn mà. Chủ trương của xã tới đây sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để bà con làm nghề hiểu và tham gia mô hình hợp tác xã chuyên sản xuất bún, bánh. Nếu làm được việc này, thứ nhất là có lợi cho bà con, thứ hai là việc thành lập hợp tác xã cũng là một trong những tiêu chí để xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.

Nếu tương lai “làng nghề” phát triển lên nữa, thì việc đăng ký thương hiệu, tạo “lôgô” sản phẩm... để theo kịp phương thức làm ăn thời hội nhập, là điều cần phải tính đến. Đặc biệt, theo ý kiến chủ quan của chúng tôi, một khi sợi bánh phở của thôn Hoàng Công Chất lại bằng cách nào đó gắn kết với uy tín gạo Mường Thanh, thì hy vọng “làng nghề” Hoàng Công Chất sẽ phát triển hơn nhiều, đời sống người làm nghề cũng cao hơn nhiều...

Bài, ảnh: Linh Giang
Bình luận
Back To Top