Khi doanh nghiệp và nông dân cùng hợp tác

09:05 - Thứ Năm, 01/02/2018 Lượt xem: 9462 In bài viết
ĐBP - Hợp tác, liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp là dấu ấn rõ nét nhất sau 2 năm thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Người nông dân đã dần thay đổi tư duy sản xuất, từ bỏ lối suy nghĩ “truyền thống” kiểu: Tham gia liên kết Nhà nước cho cái gì? để liên kết cùng doanh nghiệp nâng cao giá trị của sản phẩm nông sản.

Hiện nay, tỉnh ta đã hình thành, phát triển 10 mô hình hợp tác, liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp cung ứng thực phẩm an toàn đối với một số mặt hàng chủ lực như: Lúa, gạo, chè, cà phê, dứa… Ðối với sản phẩm lúa gạo, đã có 5 doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư theo mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa theo mô hình cánh đồng lớn. Qua đó thúc đẩy sản xuất, bảo quản lúa gạo, chế biến các sản phẩm từ gạo chất lượng cao tại cánh đồng Mường Thanh, tăng thu nhập cho nông dân. Khi tham gia vào các mô hình liên kết chuỗi, sản phẩm gạo được chứng nhận theo chuỗi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký mã quét truy xuất nguồn gốc (mã QR). Ðặc biệt, liên kết chuỗi giúp nông dân trang bị các kỹ năng trong lao động, sản xuất; không lo đầu ra cho sản phẩm và giá bán sản phẩm luôn cao hơn từ 15 - 20% so với sản phẩm cùng loại nhưng không tham gia chuỗi liên kết sản xuất. Sản phẩm chè Shan tuyết Tủa Chùa, đã hình thành 2 chuỗi liên kết, cung ứng nông sản an toàn: Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Ðiện Biên và Công ty TNHH Trà Phan Nhất. Ðối với các sản phẩm: Cà phê, cao su, dứa đã hình thành các chuỗi hợp tác sản xuất, bao tiêu sản phẩm và được chứng nhận sản phẩm nông nghiệp an toàn.

 

Cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn của Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Ðiện Biên tại TP. Ðiện Biên Phủ.

Thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Ðề án Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc theo Quyết định số 3073/QÐ-BNN-QLCL của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 3/2017, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai mô hình trồng dứa theo chuỗi cung ứng dứa an toàn tại Hợp tác xã Na Sang (xã Na Sang, huyện Mường Chà) với 54 hộ tham gia trên diện tích 61ha. Sau hơn 8 tháng triển khai, sản phẩm dứa của Hợp tác xã Na Sang đã được cấp chứng nhận nông sản an toàn. Hiện nay, đã có 2 công ty: Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green và Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Ðiện Biên cam kết bao tiêu sản phẩm. Ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã Na Sang cho biết: Thành công nhất của việc hợp tác, liên kết sản xuất này là sản phẩm dứa của xã viên được cấp chứng nhận nông sản an toàn; bao bì, đóng gói đẹp mắt và dán tem, mã truy xuất nguồn gốc được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, sản phẩm tiêu thụ tốt hơn. Nhờ đó lợi nhuận của các xã viên cao hơn so với các hộ không thuộc hợp tác xã Na Sang. Từ khi tham gia liên kết chuỗi, xã viên phấn khởi, yên tâm sản xuất, mở rộng thêm 100ha, nâng tổng diện tích dứa của Hợp tác xã lên 161ha.

Ông Giàng Xeo Chỉnh, bản Na Sang cho biết: Tham gia mô hình liên kết chuỗi, sản phẩm dứa được bảo hộ, chứng nhận an toàn, quảng bá thương hiệu nên người dân yên tâm sản xuất. Ví như năm 2016, đang chính vụ thu hoạch dứa thì xuất hiện một số nguồn tin thất thiệt về sản phẩm dứa Na Sang không an toàn, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, dứa không bán được, bị thối, hỏng. Gia đình tôi trồng 11 vạn cây, bán không kịp nên bị hỏng hơn 5 tấn. Nhưng nay, sản phẩm dứa Na Sang đã được cấp chứng nhận nông sản an toàn, người tiêu dùng tin tưởng nên đắt hàng trở lại. Tham gia sản xuất theo chuỗi tuy giá thành bán ra không tăng nhưng quy trình sản xuất dứa an toàn lại tiết kiệm được chí phí nên lợi nhuận vẫn cao hơn so với sản phẩm cùng loại không tham gia chuỗi. Năm 2017, gia đình tôi thu nhập 700 triệu đồng từ trồng dứa an toàn.

Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong hợp tác với nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn. Hiện nay, Safe Green đang liên kết cùng 9 hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ nông dân về các loại sản phẩm: Lúa gạo; rau, củ, quả tươi an toàn trên địa bàn huyện Ðiện Biên; bánh khẩu xén Mường Lay; dứa an toàn Na Sang. Các sản phẩm nông sản của Ðiện Biên được Công ty phân phối, tiêu thụ và quảng bá tại thị trường nhiều tỉnh, thành: Hà Nội, Hòa Bình, Thái Nguyên, Sơn La, Quảng Ninh… Bà Hoàng Thị Hiên, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green cho biết: Hiện nay, Công ty đang phát triển trồng rau an toàn với quy mô 2ha tại xã Thanh An (huyện Ðiện Biên) và xây dựng chuỗi cửa hàng bán sản phẩm nông sản an toàn trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ và huyện Ðiện Biên; liên kết và nhận tiêu thụ một số sản phẩm nông sản an toàn ra thị trường ngoài tỉnh. Tham gia vào liên kết chuỗi chúng tôi mong muốn nông dân và doanh nghiệp cùng bắt tay phát triển sản xuất, nâng cao giá trị và cùng hưởng lợi từ giá trị gia tăng của nông sản Ðiện Biên.

Tiếp tục thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo các huyện, thị, thành phố xây dựng mỗi xã 1 sản phẩm hợp tác với doanh nghiệp theo chuỗi liên kết để phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng. Các hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện hiệu quả liên kết giữa “4 nhà”, “5 nhà” (nhà nông, nhà doanh nghiệp, Nhà nước, nhà khoa học và ngân hàng) để xây dựng và thực hiện mô hình cánh đồng lớn. Năm 2018, tỉnh sẽ thực hiện 6 mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích 138ha; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng chuỗi cửa hàng nông sản để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top