Chủ động phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi

08:33 - Thứ Sáu, 02/02/2018 Lượt xem: 9476 In bài viết
ĐBP - Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất, các tỉnh Tây Bắc sẽ đón một đợt không khí lạnh cường độ mạnh gây rét đậm, rét hại kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Trước tình hình đó, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương đã chỉ đạo người dân chủ động các phương án phòng, chống đói rét cho vật nuôi và bảo vệ cây trồng, đặc biệt là diện tích lúa đông xuân mới gieo cấy.

 

Người dân xã Nậm Tin (huyện Nậm Pồ) chăm sóc trâu bò đợt rét.

Vụ đông xuân năm 2017 - 2018, xã Nà Tấu (huyện Ðiện Biên) gieo cấy 192ha lúa. Do nằm trong vùng tiểu khí hậu nên xã Nà Tấu có khung lịch thời vụ chậm hơn các xã vùng lòng chảo Ðiện Biên khoảng 1 tháng. Từ ngày 15/1, người dân xã Nà Tấu bắt đầu lấy nước để làm đất, chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân. Ðến nay, toàn xã mới gieo cấy được 10 - 20% diện tích. Dự kiến đến ngày 10/2, Nà Tấu sẽ hoàn thành gieo cấy 100% diện tích lúa đông xuân. Theo dự báo, lịch thời vụ đúng vào đợt rét đậm, rét hại kéo dài nên UBND xã Nà Tấu chỉ đạo người dân theo dõi sát diễn biến thời tiết và chủ động có phương án phòng chống rét cho cây lúa, giảm thiểu thiệt hại do mưa rét gây ra. Ông Giàng A Chợ, Chủ tịch UBND xã Nà Tấu cho biết: UBND xã đã khuyến cáo người dân nếu nhiệt độ tiếp tục giảm sâu thì bà con tạm dừng việc gieo cấy, đợi khi thời tiết ấm lên mới tiếp tục gieo cấy để tránh tình trạng lúa chết rét. Ðối với diện tích đã gieo cần dùng tro bếp rải đều lên mặt ruộng để tăng khả năng chống rét cũng như giúp cây lúa đẻ nhánh sớm, đẻ nhánh tập trung khi thời tiết ấm lên. Với mạ chưa gieo, trong thời tiết rét đậm, rét hại, người dân cần hãm sự phát triển của mạ bằng cách rải đều ra nền cứng với độ dày từ 7 - 10cm; khi thời tiết ấm tiến hành gieo cấy ngay. Ngoài ra, ngay từ đầu vụ sản xuất đông xuân, UBND xã đã khuyến cáo người dân chuẩn bị đủ giống để gieo cấy 2 lần, phòng khi lúa bị chết rét vẫn còn thóc giống để gieo cấy lại.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều văn bản gửi các địa phương, hướng dẫn cách phòng, chống đói rét cho gia súc, gia cầm, vật nuôi và bảo vệ cây trồng trong thời tiết rét đậm, rét hại. Ðối với sản xuất lúa, hoa màu cần tuân thủ chặt quy trình sản xuất của cơ quan chuyên môn; sản xuất đúng lịch thời vụ, chăm sóc đúng kỹ thuật và có các biện pháp chống rét như: giữ đủ nước, tăng cường bón phân, tro bếp giữ ấm và phun thuốc phòng trị bệnh cho cây trồng đúng cách. Ðối với trâu, bò, vật nuôi, không thả rông trên rừng; cần cải tạo, che chắn chuồng trại đảm bảo kín gió, tránh mưa tạt, gió lùa, nền chuồng trại luôn khô ráo sạch sẽ; tăng cường sưởi ấm cho trâu, bò, vật nuôi bằng bóng điện hoặc đốt trấu, than hoặc củi khô. Ðồng thời, đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho vật nuôi trong những ngày giá rét, nhất là những con non hoặc già yếu. Người dân cần chuẩn bị, dự trữ thức ăn tinh như: Cám gạo, ngô và rơm rạ, cỏ khô, hòa muối với nước ấm cho gia súc uống để tăng sức đề kháng. Thời tiết giá rét, trâu, bò dễ mắc các bệnh như: cước chân, tụ huyết trùng và lở mồm long móng. Vì vậy, người dân phải theo dõi sát sao tình trạng gia súc để có các biện pháp chữa trị, giảm thiểu tối đa thiệt hại. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố cử cán bộ trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc công tác bảo vệ cây trồng, vật nuôi. Giao trách nhiệm cho chính quyền xã và các trưởng thôn, bản phối hợp các đoàn thể huy động nhân lực, bám địa bàn khẩn trương áp dụng các biện pháp phòng chống đói, rét, dịch bệnh trên gia súc, bảo vệ cây trồng khi thời tiết có diễn biến xấu.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top