Nhà nông cần biết

Phòng trừ sinh vật hại lúa đông xuân giai đoạn đầu

08:37 - Thứ Sáu, 02/02/2018 Lượt xem: 7800 In bài viết
Giai đoạn đầu vụ cần chú ý điều tra, phát hiện sớm đối với bệnh đạo ôn, lùn sọc đen trên lúa.

1. Bệnh đạo ôn

Bệnh đạo ôn do nấm Pyricularia grisea gây nên có thể phát sinh gây hại từ giai đoạn mạ đến khi lúa chín và có thể gây hại ở bẹ lá, lá, lóng thân, cổ bông, gié và hạt. Chú ý trên các diện tích lúa gieo trồng giống: Bắc thơm số 7, IR 64, Séng cù, BC15 và các khu vực tiền dịch năm trước... Lúc đầu vết bệnh là những chấm nhỏ màu xanh lục hoặc mờ vết dầu, sau chuyển màu xám nhạt. Trên các giống lúa mẫn cảm các vết bệnh to, hình thoi, dày, màu nâu nhạt, có khi có quầng màu vàng nhạt, phần giữa vết bệnh có màu nâu xám. Trên các giống chống chịu, vết bệnh là các vết chấm rất nhỏ hình dạng không đặc trưng.

* Biện pháp phòng, trừ bệnh

Trên những ruộng lúa chưa bị bệnh đạo ôn gây hại cần: Tỉa dặm với mật độ hợp lý với khoảng cách cây cách cây 10 - 12cm hoặc mật độ từ 70 - 100 khóm/m2 (đối với các giống lúa thuần); khoảng cách cây cách cây 13 - 15cm mật độ từ: 45 - 55 khóm/m2 (đối với các giống lúa lai). Dọn sạch cỏ và những cây, cỏ dại trong và trên bờ ruộng để tạo độ thông thoáng. Bón phân NPK hợp lý, cân đối tránh bón nhiều đạm, duy trì độ ẩm trên đồng ruộng để cây lúa sinh trưởng khỏe mạnh, tăng sức đề kháng.

- Khi phát hiện bệnh vừa mới xuất hiện phải tạm ngừng ngay các hoạt động bón phân đạm, phân chuồng hoặc phân bón qua lá hoặc các loại thuốc kích thích sinh trưởng.

- Phun thuốc trừ bệnh bằng thuốc hóa học, các loại thuốc có thành phần hoạt chất Tricyclazole, Edifenphos, Isoprothiolane... Phun đủ liều lượng, phun vào chiều mát để tăng khả năng bám dính của thuốc; khi bệnh gây hại mạnh cần phun kép. Khi bệnh đã có dấu hiệu ngừng hẳn thì thực hiện các biện pháp chăm bón phân bình thường.

2. Bệnh lùn sọc đen

Bệnh do vi rút gây ra, môi giới truyền bệnh là rầy lưng trắng. Lá lúa bị bệnh có biểu hiện nhăn nhẹ, màu xanh đậm hơn bình thường, cây thấp lùn, phiến lá dày và giòn.

* Biện pháp phòng, trừ bệnh

Hạn chế sử dụng những giống lúa đã xác định nhiễm bệnh lùn sọc đen nặng, sử dụng các giống kháng (chống chịu) rầy hoặc ít nhiễm rầy lưng trắng. Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, chăm sóc đồng ruộng, bón phân NPK hợp lý. Vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ. Thường xuyên theo dõi sát mật độ của rầy lưng trắng để có biện pháp quản lý kịp thời. Khi thấy triệu trứng bệnh xuất hiện cần nhổ, vùi những cây lúa bị bệnh, cấy giặm bằng cây lúa khỏe. Ðể cây lúa mau phục hồi cần bón cân đối phân NPK, khi lúa chưa phục hồi ra lá mới, chỉ nên bón phân lân và phân ka li. Thường xuyên kiểm tra, nếu mật độ rầy cao>750 con/m2 hoặc ở giai đoạn lúa cuối đẻ nhánh trở đi mật độ ≥ 3 con/dảnh và chú ý phun trừ sớm khi rầy còn ở tuổi nhỏ (rầy cám).

- Giai đoạn đầu vụ sử dụng các loại thuốc có tác dụng nội hấp, lưu dẫn có hoạt chất như: Thiamethoxam, Imidacloprid như Actara 25WG, Armada 50EC... Nếu rầy còn nhỏ (tuổi 1, 2), ưu tiên sử dụng thuốc có hoạt chất Buprofezin như Butyl 10WP, Difluent 10WP...

Trần Quốc Luyện (Trạm BVTV Mường Chà)
Bình luận
Back To Top