Ðiện Biên Ðông chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân

08:41 - Thứ Sáu, 02/02/2018 Lượt xem: 8490 In bài viết
ĐBP - Theo kế hoạch, vụ đông xuân năm nay huyện Ðiện Biên Ðông gieo cấy 705ha lúa nước. Thời điểm này, công tác chuẩn bị cho vụ sản xuất đã được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và chính quyền các xã triển khai.

Ông Mai Xuân Chi, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, thời tiết vụ đông xuân 2017 - 2018 trên địa bàn có một số đặc điểm như: Rét có xu hướng muộn hơn so với năm trước, các đợt rét đậm, rét hại có khả năng tập trung trong giai đoạn cuối tháng 1 và đầu tháng 2. Ngoài ra, năm nay tiết đại hàn vào ngày 20/1/2018 vừa qua (tức ngày 4 tháng Chạp) nhưng thời tiết cho đến thời điểm này (cuối tháng 1) mới trở lạnh nên tiết lập xuân (vào ngày 4/2/2018, tức ngày 19/12 âm lịch) nhiều khả năng vẫn lạnh. Từ những yếu tố đó, Phòng khuyến cáo nông dân cần căn cứ thời gian sinh trưởng của từng giống lúa, điều kiện thực tế của địa phương để bố trí thời vụ gieo, cấy phù hợp đảm bảo theo nguyên tắc lúa phân hóa đòng, trỗ gặp thời tiết thuận lợi, tránh rét.

 

Cán bộ xã Mường Luân kiểm tra hiệu quả công trình thủy lợi bản Na Giắt và Na Hom.

Về cơ cấu giống, do hiện nay nông dân vẫn sử dụng phương pháp gieo thẳng nên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện định hướng sử dụng giống có thời gian sinh trưởng trung và ngắn ngày nhằm tạo điều kiện sử dụng đất đai, lao động, tăng vụ, sức kéo hợp lý. Sản xuất thâm canh lúa không dùng một loại giống để tránh rủi ro, mất mùa nhưng cũng không dùng quá nhiều giống gây khó khăn cho việc khắc phục tình trạng lẫn giống trong sản xuất. Ưu tiên sử dụng các loại giống có khả năng chống chịu rét, sâu bệnh hại như: Lúa thuần IR64, Bắc thơm 7, Nếp 87 (chiếm 80 - 90% cơ cấu giống); lúa lai Nhị ưu 838, Nghi hương 2308 (3 - 5%) và 10% các giống nếp tròn, tẻ Lào. Căn cứ vào đặc điểm sinh trưởng, phát triển của từng loại giống, điều kiện canh tác, thổ nhưỡng, lịch gieo cấy được xây dựng cụ thể như sau: Chính vụ gieo cấy ngày từ 20/1- 5/2/2018; trà muộn gieo cấy sau ngày 5/2/2018 và kết thúc trong tháng 2.

Trao đổi về công tác hướng dẫn, tuyên truyền đối với người dân để có vụ đông xuân đạt kết quả cao, ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Ðiện Biên Ðông chia sẻ: Ngay từ lúc này, để đảm bảo năng suất và hạn chế sự gây hại của một số sâu bệnh, UBND huyện đã chỉ đạo các xã hướng dẫn người dân tiến hành cày đất, phơi ải; bừa đất. Trước khi gieo từ 5 - 7 ngày, cho nước vào ngập mặt ruộng để phòng tránh tác hại của tuyến trùng hại rễ. Sau khi đất ngấm đều nước 1 ngày thì bừa hoặc phay để đất tơi nhuyễn, diệt cỏ dại, san phẳng mặt ruộng, có rãnh thoát nước xung quanh không để ruộng mấp mô, đọng nước. Ðối với ruộng khó thoát nước thì không nên làm đất kỹ, ngược lại đối với ruộng dễ thoát nước cần làm đất kỹ để tạo lớp bùn hạn chế thất thoát nước. Cán bộ chuyên môn huyện phối hợp với cán bộ xã thường xuyên kiểm tra hiệu quả, năng lực tưới tiêu của các công trình thủy lợi, kịp thời sửa chữa các công trình hư hỏng, hiệu quả thấp. Ðiển hình là Dự án Cải tạo nâng cấp công trình thủy lợi thuộc hai bản Na Giắt, Na Hom (xã Mường Luân) được đầu tư thi công, nghiệm thu, đảm bảo kịp thời cung cấp nước cho trên 100ha lúa của xã.  

Năm 2017, thực hiện chủ trương cải tạo ruộng nước, huyện Ðiện Biên Ðông đã khai hoang, phục hóa được trên 270ha ruộng bậc thang. Tuy nhiên, hiện nay một số địa bàn vùng cao dù khai hoang được diện tích lớn nhưng việc trồng lúa 2 vụ vẫn còn hạn chế do tâm lý “chỉ cần đủ thóc ăn” của bà con. Vì vậy, lực lượng khuyến nông cần nâng cao công tác tuyên truyền; đề nghị các xã thống kê chi tiết tỷ lệ diện tích lúa 2 vụ của các xã để có phương hướng triển khai hiệu quả. Ðồng thời, do lịch gieo cấy trà muộn năm nay trùng với dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, nếu để qua tết mới gieo sẽ quá muộn, ảnh hưởng đến năng suất. Do đó, huyện Ðiện Biên Ðông đang chỉ đạo các xã vận động nông dân khẩn trương xuống giống trước thời điểm 15/2/2018.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top