Nỗ lực kiểm soát lạm phát

10:44 - Thứ Hai, 05/02/2018 Lượt xem: 8003 In bài viết
Năm 2018, Chính phủ tiếp tục theo đuổi mục tiêu ổn định vĩ mô, mà trong đó kiểm soát tốt lạm phát được xác định là quan trọng hàng đầu. Trên hết, đó là sự ổn định đời sống, giữ bình ổn các quan hệ cung - cầu, nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và liên quan trực tiếp đến dân sinh. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần theo dõi thực tế để phân tích tình hình nhằm kịp thời điều chỉnh, sao cho tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong giới hạn cho phép.

4% - Mức hợp lý

Kiềm chế, kiểm soát mức tăng CPI luôn là bài toán khó, càng không dễ dàng thực hiện khi mức cho phép lại không lớn (tăng không quá 4%) trong năm 2018.

 

Nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng cao vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, tác động tới CPI.

Dư luận đã có chút lo ngại, dù chỉ là bước đầu khi CPI tháng vừa qua tăng 0,51% so với tháng trước, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do đã đến thời điểm cận Tết Nguyên đán - khi mà mức thu nhập của hầu hết người lao động tăng lên, đồng thời nhu cầu mua sắm, chi tiêu phục vụ Tết cũng tăng theo. Xét về lý thuyết, đây là diễn biến bình thường bởi lẽ “năm nào cũng vậy”. Nhưng, mức tăng như nói trên vẫn được ghi nhận là tương đối cao. Lý giải thực tế này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, giá tăng là xu hướng chung trong thời điểm gần Tết, là chuyện bình thường nên không quá lo ngại. Giá sẽ “dịu” vào tháng 3 và tính chung CPI quý I có thể chỉ tăng 0,8-1%.

Dự báo chung cho cả năm, mục tiêu kiềm chế CPI tăng dưới 4% là khả thi cũng như đó là mức hợp lý đối với nền kinh tế. Để đạt được mục tiêu này, các cấp có thẩm quyền cần tăng cường chỉ đạo, giám sát và kiểm soát chất lượng tăng trưởng tín dụng trong năm 2018, tránh hiệu ứng dây chuyền là lạm phát tăng do lượng cung vốn đầu vào tăng lên. Bên cạnh đó, vẫn lưu ý để xử lý áp lực phát sinh từ việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ công theo lộ trình, đặc biệt là giáo dục và y tế. Việc điều chỉnh, tăng lương cơ sở sắp tới cũng sẽ là một tác nhân có thể làm nảy sinh tâm lý “tăng lương thì tăng giá” trên thị trường nên cần có sự quan tâm, điều hành thỏa đáng. Bên cạnh đó, cần làm tốt và tận dụng việc triển khai đại trà công tác đấu thầu tập trung đối với thuốc chữa bệnh kết hợp siết chặt quản lý thị trường nói chung, kiềm chế việc tăng giá thuốc chữa bệnh nói riêng. Điều này sẽ góp phần kiềm chế, giảm áp lực tăng giá của nhóm thuốc và dịch vụ y tế.

Đặc biệt, các ngành liên quan cần thường xuyên theo dõi, làm tốt công tác quản lý, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, thu hoạch, bảo quản cũng như phân phối nông sản trên diện rộng. Đây là yêu cầu liên tục, có tầm quan trọng hàng đầu trong việc ổn định quan hệ cung - cầu để dẫn đến sự ổn định trên thị trường cả nước kết hợp bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, kiên quyết chỉ đạo nhằm ổn định nguồn hàng, tránh sốt cục bộ, sốt ảo về lương thực, thực phẩm có thể gây đội giá bất hợp lý.

Làm tốt dự báo

Tuy vậy, câu chuyện kiểm soát lạm phát vẫn luôn là vấn đề khó thực hiện cũng như khó đoán định, bởi lẽ nó phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến giá, quan hệ cung - cầu của một số mặt hàng chiến lược trên thị trường quốc tế. Đơn cử, giá dầu thô vẫn là câu hỏi lớn, không rõ xu hướng sẽ tăng hay giảm (nhất là tăng/giảm ở mức nào) để kịp thời có đối sách ứng phó, điều hành hợp lý. Nhưng, chắc chắn rằng, giá dầu tăng sẽ gây bất lợi và sẽ đẩy chỉ số giá nhóm giao thông - một thành tố quan trọng của CPI lên cao. 

Ngoài ra, những hiện tượng thiên tai như lũ, bão, ngập mặn, hạn hán... cũng có thể xuất hiện và nằm ngoài mong muốn cũng như khả năng khống chế của con người. Nếu xảy ra, thì những hiện tượng cực đoan trên chắc chắn sẽ kích đẩy giá lưỡng thực, thực phẩm, nhiều loại nông sản lên cao, gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, đồng thời đẩy CPI tăng ngoài tính toán. Vì vậy, các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương cần làm tốt công tác dự báo, có phương án đề phòng; đặc biệt là làm tốt công tác tồn trữ, phân phối hàng hóa khi có sự cố. Công tác quản lý, kiểm soát thị trường cũng cần được đặt lên hàng đầu, với tinh thần liên tục, áp sát và nắm bắt kịp diễn biến thực tế...

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, giá cả thị trường gắn liền với diễn biến cung - cầu. Từ đó, cần duy trì tốt sự gắn kết, liên thông giữa hoạt động sản xuất và phân phối, tiêu thụ để bảo đảm nguồn cung và sự lành mạnh trên thị trường.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý các bộ, ngành, địa phương về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2018. Theo đó, mức tăng 0,51%, là mức cao so với cùng kỳ năm trước, đặt ra đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn nữa trong điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, để bảo đảm CPI tăng dưới 4% như mục tiêu đặt ra trong năm nay. Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt những trung tâm lớn trước mắt chưa tăng các loại giá, phí có liên quan, đồng thời quản lý tốt giá tiêu dùng với giải pháp cụ thể, căn cơ hơn.

Thực hiện chỉ đạo trên, trong kỳ điều hành giá vừa qua, liên bộ Công Thương - Tài chính cũng quyết định tăng chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá và giữ nguyên giá bán mặt hàng xăng dầu. Liên bộ cũng tạm thời cho phép chi sử dụng quỹ với xăng RON 95 để không tăng giá loại xăng này.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top