Ða dạng mô hình sinh kế đảm bảo cuộc sống người dân

10:03 - Thứ Ba, 06/02/2018 Lượt xem: 8123 In bài viết
ĐBP - Sau hơn 10 năm thực hiện công cuộc di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La gắn với tái thiết đô thị, đến nay cuộc sống người dân TX. Mường Lay đã ổn định. Mặc dù vậy, công tác phát triển sản xuất tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân vẫn luôn được chính quyền thị xã quan tâm, ưu tiên thực hiện. .

Trong năm 2017, nhiều chủ trương, mô hình canh tác, chăn nuôi đã được thử nghiệm và triển khai điểm trên địa bàn, góp phần thay đổi thói quen sản xuất, tạo hướng đi mới cho nhiều hộ dân, như: trồng lúa Bắc thơm số 7, khoai tây, nuôi cá rô đầu vuông. Cùng với đó là tiếp tục triển khai thí điểm trồng cây ăn quả, trồng hoa, rau sạch, chăn nuôi dê sinh sản… Các mô hình đều nhận được sự tham gia nhiệt tình của người dân, bước đầu đạt năng suất, hiệu quả tích cực.

Tháng 10/2017, các hộ dân bản Ho Cang, xã Lay Nưa lần đầu tiên tham gia trồng khoai tây vụ đông với diện tích gần 1ha do Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư thị xã triển khai, hỗ trợ 40% chi phí giống và hướng dẫn kỹ thuật. Ông Lò Văn Trưởng, Trưởng bản cho biết: Diện tích này là đất trồng lúa 2 vụ, được sự tư vấn, trợ giúp của cán bộ khuyến nông, các gia đình trong bản quyết định trồng vụ 3 với giống cây khoai tây. Cuối tháng 12 vừa rồi, khoai đã cho thu hoạch, củ khá to, đều, đẹp mã, ăn bở và ngon, 1m2 có khoảng 2kg củ. Số khoai thu được không chỉ phục vụ nhu cầu gia đình mà còn bán ra thị trường, tăng thu nhập. Kết quả khả quan như vậy, những năm sau tôi sẽ huy động bà con trong bản tiếp tục trồng cây ngắn ngày tăng gia vụ 3.

 

Người dân bản Ho Cang, xã Lay Nưa thu hoạch khoai tây vụ đông.

Các bản vùng cao cũng được quan tâm đặc biệt, trong năm 2017, UBND thị xã quy hoạch bãi tưới hưởng lợi từ công trình Thủy lợi Pa Cô để người dân bản Huổi Min, phường Sông Ðà và một số hộ dân tái định cư khai hoang ruộng bậc thang. Ðây là lần đầu tiên người dân bản Huổi Min làm quen với canh tác lúa nước. 16/16 hộ trong bản được chia đất với diện tích 360m2/khẩu. Sau khi nhận đất, các hộ bắt tay vào khai hoang, thuê máy móc tạo ruộng bậc thang rồi xuống giống lúa. Huổi Min từ bản vùng cao gắn bó với lúa nương, cây ngô, cây sắn nay đã có cả 1 dải ruộng bậc thang xếp tầng rộng hơn 6ha. Vụ vừa rồi năng suất lúa đạt bình quân 30 - 35 tạ/ha, người dân Huổi Min không còn lo thiếu đói mùa giáp hạt, thay đổi thói quen canh tác lạc hậu bao đời nay và tìm được hướng đi mới trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Anh Lầu A Dế, người dân trong bản phấn khởi cho biết: Với 3.000m2 ruộng bậc thang mới gieo trồng vụ đầu, gia đình tôi thu hoạch gần 20 bao thóc, năng suất cao hơn nhiều so với lúa nương. Vì vậy, chúng tôi đang tiếp tục khai hoang ruộng bậc thang mới trên diện tích đất nương bạc màu để đảm bảo lương thực và mong có sản phẩm dư thừa để xuất bán, thêm thu nhập cho gia đình.

Cùng với phát triển các mô hình kinh tế thì Mường Lay còn linh hoạt canh tác trên đất bán ngập và tận dụng đất dự trữ ven hồ, chưa có kế hoạch sử dụng. Toàn thị xã hiện có gần 6,5ha đất trống ngoài quy hoạch đang được các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, thiếu đất sản xuất mượn canh tác rau màu, cây ngắn ngày. Sát cánh cùng người dân, thị xã đã hỗ trợ máy móc cải tạo đất và kinh phí làm đường ống dẫn nước tưới tiêu cho các khu vực. Dải đất trống ven hồ rộng gần 3,5ha trên địa bàn phường Sông Ðà bỏ hoang nhiều năm nay đã trở thành khu trồng rau xanh và hoa tươi rộng lớn. Hơn 70 hộ tái định cư của phường có việc làm tại chỗ, hình thành 1 vùng trồng rau sạch được kỳ vọng phát triển lên tổ hợp tác, góp phần đảm bảo lợi ích và công việc ổn định cho người dân.

Việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ canh tác, chăm sóc đàn vật nuôi cho người dân cũng được thị xã quan tâm và coi như “gốc rễ” của vấn đề. Trong năm đã có 300 lượt người dân được tập huấn về các nội dung: kỹ thuật canh tác cây trồng, vật nuôi tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn tỉnh Sơn La, Ðiện Biên. Nhờ những nỗ lực đó, năm 2017, diện tích cây trồng hàng năm của thị xã đạt hơn 970ha, tổng sản lượng cây lương thực có hạt trên 2.925 tấn, tổng đàn gia súc, gia cầm gần 74.000 con. Ðời sống người dân có nhiều chuyển biến tích cực, Mường Lay chỉ còn 239 hộ nghèo, chiếm 7,81%, giảm 1,23% so với năm 2016. Xác định công tác phát triển sản xuất vẫn luôn là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới, ông Vũ Xuân Linh, Phó Chủ tịch UBND TX. Mường Lay, cho biết: Mặc dù TX. Mường Lay còn nhiều khó khăn, song nguồn lực dành cho phát triển nông nghiệp nông thôn, giải quyết việc làm cho người lao động luôn được ưu tiên quan tâm và chỉ đạo quyết liệt. Thị xã khuyến khích các tập thể, cá nhân, hộ gia đình khai thác tối đa tiềm năng mặt nước, xây dựng trang trại gắn với bảo vệ phát triển rừng, tận dụng đất bán ngập/khai hoang mới/cũng như diện tích nguyên canh để đầu tư phát triển thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Qua đó huy động tối đa lực lượng lao động trên địa bàn, tạo việc làm ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top