Phát triển nông nghiệp bền vững

14:51 - Thứ Tư, 07/02/2018 Lượt xem: 8772 In bài viết
ĐBP - Nông nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng vai trò “trụ đỡ”, góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế Ðiện Biên. Phát huy vai trò “trụ đỡ” ấy, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục phát triển nông nghiệp, nông thôn đi đôi với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, xây dựng nông thôn mới...

 

Nông dân xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) sử dụng máy tuốt lúa liên hoàn trong khâu thu hoạch, giải phóng sức lao động.

Góp phần duy trì đà tăng trưởng kinh tế của tỉnh, năm 2017, tổng giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản theo giá hiện hành đạt 3.059,6 tỷ đồng, tăng 473,9 tỷ đồng so với năm 2014. Các sản phẩm chủ lực, “mũi nhọn” có bước tăng trưởng khá khi trong năm tổng sản lượng lương thực ước đạt 257.971 tấn (đạt hơn 101,2% kế hoạch năm); tổng đàn gia súc đạt 580.056 con, diện tích cây cao su đạt hơn 5.172ha; trên 3.940ha cà phê; gần 608,9ha chè... Nhiều mô hình mới, cách làm hay được nông dân ứng dụng thành công trong sản xuất, như: việc nhân rộng chương trình SRI tại 10/10 huyện, thị, thành phố với tổng diện tích ứng dụng 5.771ha (chiếm 21% diện tích sản xuất lúa toàn tỉnh); mở rộng áp dụng mô hình sạ lúa hiệu ứng hàng biên; triển khai các mô hình sản xuất lúa chất lượng, thâm canh lúa chất lượng cao Bắc thơm số 7 kháng bạc lá, ngô, đậu tương. Các mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP cơ bản được duy trì và mở rộng. Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, các mô hình: nuôi cá diêu hồng trong lồng bè, cá rô đầu vuông thương phẩm… bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn đạt được nhiều kết quả tích cực khi Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên tổ chức thực hiện thành công dự án cánh đồng lớn theo chuỗi liên kết đầu tiên của tỉnh, hợp tác liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ lúa IR64 và Bắc thơm số 7 quy mô 31ha. Sản phẩm gạo đã được chứng nhận theo chuỗi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký quét mã truy xuất nguồn gốc (mã QR). Mô hình liên kết này đảm bảo lợi ích giữa doanh nghiệp - nông dân, đồng thời kiểm soát được chất lượng sản phẩm và sẽ được mở rộng trong những năm tiếp theo. Cùng thời gian ấy, ngành đã tổ chức xây dựng và xác nhận 7 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho các sản phẩm nâng tổng số chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận lên 11 chuỗi.

Việc tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã được tập trung chỉ đạo. Các liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với người dân đối với một số mặt hàng chủ lực, như: Lúa gạo, cà phê, chè, dứa... tiếp tục được triển khai hiệu quả. Một số doanh nghiệp đã và đang đầu tư sản xuất, bảo quản lúa gạo hàng hóa, chế biến các sản phẩm thực phẩm từ gạo chất lượng cao tại cánh đồng Mường Thanh, góp phần tăng thu nhập cho các hộ dân trồng lúa. Lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản, chăn nuôi cũng đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư, như: Dự án Trồng cây ăn quả công nghệ cao kết hợp trồng rừng sản xuất tại xã Búng Lao (huyện Mường Ảng), Dự án Sản xuất thực phẩm an toàn tại xã Thanh Yên, Dự án Chăn nuôi dê tại xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên)...

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai đồng bộ và hiệu quả chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; khuyến khích sản xuất lương thực theo mô hình cánh đồng lớn có sự liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân trong sản xuất cũng như phòng chống dịch, bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Thực hiện tốt liên kết “4 nhà”, “5 nhà” trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Ðẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp; nhân rộng các chuỗi liên kết trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ và huyện Ðiện Biên, tạo sự lan tỏa đến địa bàn các huyện, thị xã nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top