Con đường “no ấm”

08:32 - Thứ Năm, 08/02/2018 Lượt xem: 9138 In bài viết
ĐBP - Chúng tôi xin gọi con đường dân sinh từ bản Hô Hài ra mốc 4 (xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ) là con đường no ấm. Bởi lẽ, với sức trẻ và tinh thần chung sức vì cộng đồng cùng phát triển, con đường no ấm này đã được mở dài khoảng 2km thay cho con đường mòn, đường “sống” trâu khó nhọc mà hàng trăm hộ dân bản đặc biệt khó khăn ở vùng cao Hô Hài, Nậm Hài phải vượt qua. Ý nghĩa hơn khi con đường này được mở không thuần là việc rút ngắn khoảng cách hàng chục cây số ra huyện, ra trung tâm xã so với con đường xưa cũ khi mà là khát vọng vươn lên của hàng trăm hộ dân nơi đây tìm đường mở lối, quyết tâm thoát nghèo như ý chí mở đường...

 

Ðoàn viên thanh niên xã Chà Cang và người dân bản Hô Hài, Nậm Hài mở đường dân sinh từ Hô Hài ra mốc 4 (xã Chà Cang).

Theo giới thiệu của Bí thư Ðảng ủy xã Chà Cang Lò Văn Kiên, chúng tôi tìm về bản Hô Hài, Nậm Hài vào một ngày cuối tháng 1 khi các bản vùng cao chìm trong giá rét. Trái với không khí rét buốt ấy là niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ của đồng bào dân tộc Mông sinh sống ở bản vùng cao Hô Hài, Nậm Hài. Tuyến đường “no ấm” vừa mới được hoàn thành nhờ công sức của hàng trăm đoàn viên thanh viên và nhân dân của 2 bản cật lực phá đá, mở đường, lấp ổ gà, san bằng tạo rãnh. Trưởng bản Hô Hài Sùng A Tủa phấn khởi lắm. Anh Tủa cho biết: Bao năm qua, người dân trong bản không có đường đúng nghĩa để đi. Mùa khô lách rừng mà đi lâu dần thành lối; nhưng cực khổ khó đi trăm bề. Còn mùa mưa thì cả bản không thể nhúc nhích ra khỏi bản. Ði về phía Nậm Hài để về xã, về huyện lại quá xa chẳng khác “mua đường”. Nói vậy để thấy rằng, người ra khỏi bản mùa mưa đã khó chứ chưa nói đến việc vận chuyển lương thực, thóc ngô ra chợ trung tâm xã, về trung tâm huyện. Cũng vì không có đường nên đói nghèo đeo bám mãi. Bản có 84 hộ đều là dân tộc Mông, nhưng vì ruộng nước rất ít, bà con canh tác trên nương. Cây ngô, cây lúa lớn được trên nương đã khó nhưng khi có thu hoạch rồi muốn bán được lại càng khó hơn. Vì chỉ là đường mòn, đường rừng nên tư thương không thể vào thu mua, bà con thồ ra chợ huyện, chợ xã để bán cũng vô vùng gian nan, vất vả... Vì những nguyên nhân ấy mà bao năm qua, cả bản 100% số hộ đều thuộc diện nghèo. Với sự giúp sức của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ giống cây, vật nuôi, từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đến cuối năm 2017 bản mới có 7 hộ thoát nghèo. Cũng vì những nguyên nhân như thế, mà ở bản bên Nậm Hài có 97 hộ, thì đến nay cũng chỉ mới có 8 hộ thoát nghèo; còn lại cuộc sống đói nghèo vẫn cứ đeo bám.

Thấu hiểu khó khăn của các bản vùng cao, Ðảng ủy xã Chà Cang đã chỉ đạo Ðoàn Thanh niên xã phối hợp với người dân mở đường khi chưa được sự đầu tư của Nhà nước. Bí thư Ðảng ủy xã Chà Cang Lò Văn Kiên cho rằng: Là xã đặc biệt khó khăn nên cuộc sống của người dân các bản đều vất vả, thiếu thốn. Song ở 2 bản vùng cao Hô Hài, Nậm Hài thì khó khăn hơn nhiều và con đường thoát nghèo cũng gian nan hơn cả. Lý giải cho điều này, Bí thư Kiên cho rằng, không chỉ diện tích đất sản xuất ít, người dân canh tác theo phương pháp truyền thống “chọc lỗ, tra hạt” trên nương, năng suất thấp mà sự cách trở về giao thông, chưa có con đường đúng nghĩa, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội, giao thương phát triển. Nhưng nguồn lực đầu tư của Nhà nước có hạn và cũng còn nhiều thôn, bản nghèo cần được đầu tư. Chia sẻ khó khăn chung và cũng vì mục đích giúp 2 bản Hô Hài, Nậm Hài từng bước vươn lên, khi chưa được Nhà nước đầu tư, chúng tôi quyết tâm huy động sức trẻ của đoàn viên thanh niên và nhân dân tích cực tham gia mở đường. Chúng tôi tin, việc khó mấy cũng sẽ thành công nếu có sự cộng đồng trách nhiệm, thống nhất cao từ phía người dân với cấp ủy, đoàn thể, chính quyền. Ðảng ủy giao cho Ðoàn Thanh niên xã tập hợp đoàn viên, thanh niên chung sức cùng nhân dân thực hiện.

Bí thư Ðoàn Thanh niên xã Chà Cang Lèng Thị Dươn cho biết: Thực hiện đúng tinh thần “Việc gì khó có thanh niên”, dưới sự chỉ đạo của Ðảng ủy xã và sự quan tâm của Huyện đoàn Nậm Pồ, hàng trăm thanh niên được huy động làm đường chuẩn bị đầy đủ dụng cụ làm việc: cuốc, thuổng, xà beng, xẻng... người đào đất, xúc đá mở tuyến. Lúc đầu không ít người cho rằng khó để mở đường khi chỉ với các vật dụng đơn sơ. Nhưng với sức người và sự quyết tâm cao của chính những đoàn viên, thanh niên và người dân trong bản; cộng với sự hỗ trợ, tham gia tích cực của hàng trăm đoàn viên thanh niên các xã lân cận: Nậm Tin, Nà Hỳ, Chà Nưa, Phìn Hồ tuyến đường dân sinh bản Nậm Hài ra mốc 4, tuyến đường dân sinh dài khoảng 2km đã hoàn thành vượt xa kỳ vọng. “Mở lối” thoát nghèo cho người dân các bản vùng cao nơi đây.

Có đường không chỉ người dân Hô Hài được lợi, người dân Nậm Hài cũng được hưởng chung. Thay vì phải đi lòng vòng khoảng 40 cây số mới ra đến trung tâm huyện như trước, thì nay có đường số ki lô mét đó đã được rút ngắn nhiều, chỉ còn khoảng 23 - 24 cây số. Và hơn nữa, con đường mới mở là động lực để người dân Hô Hài, Nậm Hài phấn đấu vươn lên thoát nghèo; không còn lo vận chuyển lương thực, nông sản gặp khó khăn; không ngại đường xa, cách trở.

Chia tay người dân bản Hô Hài đi trên con đường đất đỏ mới mở dù còn nhiều gập ghềnh, trắc trở. Nhưng chúng tôi tin rằng, với sự trợ lực của huyện, của xã từ việc nhân rộng các mô hình sản xuất chăn nuôi, hiệu quả; hỗ trợ trực tiếp giống cây trồng, vật nuôi; sự nỗ lực vươn lên của chính người dân như quyết tâm mở đường; cuộc sống mới sẽ về, đói nghèo sẽ không còn đeo bám.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top