Ðảm bảo nước sản xuất ở địa bàn vùng cao

10:00 - Thứ Tư, 07/03/2018 Lượt xem: 7811 In bài viết
ĐBP - Vụ đông xuân là vụ sản xuất thường gặp khó khăn về nước tưới, nhất là đối với địa bàn vùng cao gần như phụ thuộc vào nước mưa. Do đó, để chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất, ngành chức năng, chính quyền địa phương và người dân các địa bàn dễ xảy ra thiếu nước đã chủ động dự trữ, điều tiết nước hợp lý vào đồng ruộng. Ðến thời điểm này, nguồn nước vẫn cơ bản đảm bảo phục vụ sản xuất vụ đông xuân.

4 xã vùng ngoài huyện Ðiện Biên: Nà Nhạn, Nà Tấu, Mường Phăng và Pa Khoang nằm trong tiểu vùng khí hậu, có khung lịch thời vụ muộn hơn so với các xã vùng lòng chảo Mường Thanh. Ðầu tháng 2/2018, người dân chuẩn bị gieo cấy vụ đông xuân thì thời tiết chuyển rét đậm, rét hại nên phải dừng lại để đảm bảo cây lúa không bị chết rét. Sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nông dân khẩn trương xuống đồng, làm đất, chủ động lấy nước để gieo cấy vụ đông xuân năm 2017 - 2018. Ðến nay, 100% các xã vùng ngoài của huyện Ðiện Biên đã gieo cấy xong, cây lúa đang ở giai đoạn 1 - 2 lá. Ông Mùa A Kềnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng cho biết: Vụ đông xuân năm 2017 - 2018, xã Mường Phăng gieo cấy 183ha lúa, nguồn nước sản xuất của xã chủ yếu lấy từ các khe suối và công trình hồ chứa thủy lợi Loọng Luông. Ðể chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất, ngay từ đầu vụ, xã đã chỉ đạo các bản vận động người dân làm các phai tạm tại các khe suối để tích nước, khơi thông kênh mương thủy lợi để dẫn nước vào đồng ruộng. Phối hợp với Ðội Quản lý thủy nông hồ Noọng Luông để nắm rõ lịch đóng, mở nước kết hợp với lịch thời vụ của xã, thông báo cho người dân chủ động sản xuất. Ðến nay, nguồn nước cơ bản đảm bảo, đáp ứng nhu cầu sản xuất.

 

Cán bộ đội thủy nông cụm hồ Noọng Luông nạo vét kênh mương dẫn nước vào đồng ruộng, phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2017 - 2018.

Cánh đồng Loọng Nghịu, xã Mường Phăng có diện tích khoảng 10ha, hiện nay chưa được đầu tư hệ thống kênh mương dẫn nước vào đồng ruộng. Từ nhiều năm nay, đến vụ đông xuân, người dân vẫn dùng rọ tre, nứa làm phai tạm, chặn dòng ở  suối chảy qua bản để lấy nước phục vụ sản xuất. Trên thực tế, cánh đồng Loọng Nghịu có thể sản xuất lúa 2 vụ khoảng 12 - 14ha nhưng do nguồn nước không đủ, chỉ đáp ứng được khoảng 80% diện tích. Ông Vàng A Say, người dân bản Loọng Nghịu, cho biết: Vụ đông xuân năm nay, gia đình tôi gieo cấy 2.500m2. Ðến nay, 100% diện tích đã gieo cấy xong, cây lúa đang ở giai đoạn 2 - 3 lá. Năm nay, nhờ chủ động làm phai tạm, tích nước sớm nên nguồn nước đủ để sản xuất. Vụ đông xuân nếu bà con không chủ động làm phai tạm lấy nước thì cánh đồng Loọng Nghịu sẽ không thể sản xuất lúa 2 vụ. Do đó, sau khi kết thúc mùa mưa, dân bản đã cùng nhau góp ngày công đi làm phai tạm tích nước, khơi thông hệ thống kênh mương để dẫn nước vào đồng ruộng. Hiện nay, chúng tôi rất mong muốn UBND huyện Ðiện Biên quan tâm đầu tư xây dựng đập đầu mối, kiên cố hóa kênh mương dẫn nước vào cánh đồng Loọng Nghịu để có nguồn nước ổn định, đảm bảo phục vụ sản xuất 100% diện tích.

Vụ đông xuân năm  2017 - 2018, huyện Nậm Pồ gieo cấy 154,77ha. Ðể đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, ngoài đầu tư nâng cấp, sửa chữa một số công trình thủy lợi, huyện chỉ đạo các xã tích cực vận động nhân dân chủ động tích nước, điều tiết nước hợp lý, đảm bảo không để thiếu nước phục vụ sản xuất. Hiện nay, huyện Nậm Pồ có 65 công trình thủy lợi đang hoạt động. Ngay từ đầu vụ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các xã vận động người dân nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; chỉ đạo các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi kiểm tra, đánh giá và xây dựng kế hoạch tưới chi tiết từng vùng để bà con chủ động sản xuất. Năm 2017, huyện Nậm Pồ đã tập trung nguồn vốn, đầu tư nâng cấp và sửa chữa 3 công trình thủy lợi bị thiệt hại do mưa lũ để kịp phục vụ sản xuất vụ đông xuân. Ðồng thời, chỉ đạo chính quyền các xã tổ chức gieo cấy đúng lịch thời vụ, điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm. Ðặc biệt, ở những chân ruộng cao, thường xuyên gặp hạn, chính quyền cơ sở vận động người dân chuyển diện tích trồng lúa sang trồng màu hoặc cây trồng khác sử dụng ít nước, có thể áp dụng hình thức tưới luân phiên nhằm tiết kiệm nước. Ông Vũ Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Mặc dù huyện đã chủ động nhiều phương án để đảm bảo nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân nhưng do đặc điểm địa hình cao, đồng thời 100% công trình thủy lợi là các đập dâng, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước từ các khe suối. Mùa khô các suối cạn nên nước phục vụ sản xuất cũng hạn chế, nguy cơ thiếu nước vẫn luôn thường trực. Thời điểm sau Tết Nguyên đán, một vài chân ruộng cao đã xảy ra hiện tượng thiếu nước cục bộ. Ðây là thời điểm rất quan trọng, cây lúa rất cần nước để sinh trưởng sau đợt rét đậm, rét hại trước tết. Cũng may là 2 ngày (1 - 2/3) vừa qua, trên địa bàn huyện Nậm Pồ có nhiều trận mưa lớn liên tiếp đã cơ bản bổ sung đủ nước cho đồng ruộng và các hồ chứa nhỏ, chấm dứt tình trạng thiếu nước cục bộ. Hiện nay, Phòng đã chỉ đạo các xã thường xuyên đi kiểm tra kênh mương dẫn nước vào ruộng; khuyến cáo người dân kiểm tra bờ thửa giữ nước và tiến hành làm cỏ, sục bùn đợt 1 kết hợp bón thúc cho cây lúa sinh trưởng.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top