Tà Huổi Tráng sau 10 năm tái định cư

09:11 - Thứ Năm, 08/03/2018 Lượt xem: 8941 In bài viết
ĐBP - Vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc, xây dựng công trình Thủy điện Sơn La, năm 2007 hàng trăm hộ dân bản Pắc Na, xã Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa) đã rời nơi chôn nhau cắt rốn di chuyển đến các khu tái định cư: Huổi Lực (xã Mường Báng), Huổi Trẳng, Tà Si Láng, Tà Huổi Tráng (xã Tủa Thàng) xây dựng cuộc sống mới. Tà Huổi Tráng là một trong số các khu tái định cư, do nhiều nguyên nhân đến nay cuộc sống của người dân vẫn còn gian khó, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Năm 2007, khu tái định cư Tà Huổi Tráng được phân bổ đón nhận hơn 60 hộ dân bản Pắc Na đến tái định cư; từ đó đến nay đã phát triển, tách hộ thành 83 hộ. Tại nơi ở mới, các hộ dân được hỗ trợ tiền vận chuyển đồ đạc, hàng hóa, tài sản từ nơi ở cũ đến khu tái định cư; tiền hỗ trợ sửa chữa, làm mới nhà ở, đền bù hỗ trợ đất sản xuất, tài sản trên đất tại nơi ở cũ bị ngập nước sông Ðà. Ngoài ra, các hộ được chia đất ở (400m2/hộ), đất sản xuất, được đầu tư hạ tầng cơ sở: hệ thống công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, công trình nước sinh hoạt, nhà văn hóa cộng đồng, trường lớp học cho con em, đường giao thông từ trung tâm huyện đến khu tái định cư.

 

Một góc khu tái định cư Tà Huổi Tráng.

Ông Lò Văn Phát, Trưởng bản Tà Huổi Tráng 2, cho biết: Những năm qua, người dân trên vùng tái định cư đã khai hoang cải tạo nương, đồng ruộng để phát triển sản xuất. Tranh thủ các nguồn lực đầu tư của Ðảng, Nhà nước, mỗi gia đình chủ động phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nhờ đó đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân hiện nay tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn cao (25/83 hộ nghèo; 20/83 hộ cận nghèo). Trong đó có nguyên nhân: Ðất sản xuất ít, đất nương bạc màu, hệ thống công trình thủy lợi chủ yếu đáp ứng nước sản xuất 1 vụ lúa/năm. Chăn nuôi gia súc (lợn, trâu, bò) kém phát triển, do thiếu nơi chăn thả, người dân thiếu vốn và kiến thức chăm sóc, kinh nghiệm phát triển chăn nuôi theo hướng thị trường. Mặt khác, một bộ phận người dân ỷ lại, trông chờ chế độ chính sách an sinh xã hội ưu việt của Ðảng, Nhà nước, không tự tin, cố gắng vượt qua khó khăn trong lao động sản xuất.

Gia đình ông Quàng Văn Thời, tranh thủ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và vốn tự có đầu tư xây chuồng trại theo quy trình kỹ thuật, chăn nuôi số lượng lớn, chú ý chăm lo phòng dịch bệnh nên hàng năm gia đình ông có thu nhập ổn định. Năm 2017, thu nhập từ bán lợn thịt được 100 triệu đồng. Gia đình ông Lường Văn Chanh, dùng tiền hỗ trợ đền bù đầu tư mua đất của dân sở tại thuê máy xúc đào ao nuôi cá. Chăm chỉ, cần cù chịu khó lao động vừa làm vừa rút kinh nghiệm học tập cách làm ăn mới gia đình ông Chanh có thu nhập 30 - 40 triệu đồng/năm từ bán cá. Tuy nhiên, số hộ có thu nhập ổn định và tăng trưởng từ phát triển cây trồng, vật nuôi như 2 gia đình trên không nhiều. Vẫn còn phổ biến các gia đình có thu nhập và đời sống ở mức trung bình.

Dẫu cuộc sống vẫn còn nhiều gian khó, nhưng người dân khu tái định cư Tà Huổi Tráng luôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật Nhà nước. Nguyện vọng của nhân dân mong muốn thời gian tới, chính quyền các cấp quan tâm đầu tư xây dựng bê tông đường giao thông nội bản đảm bảo vệ sinh môi trường, đi lại của người dân thuận lợi. Ðẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con chủ động vươn lên thoát nghèo bằng nội lực, học tập kinh nghiệm phát triển cây trồng, vật nuôi thế mạnh tăng thu nhập, cải thiện đời sống, giảm nghèo theo hướng bền vững.

Bài, ảnh: Tiến Dũng
Bình luận
Back To Top