Khó phát triển nghề thủ công truyền thống

09:13 - Thứ Năm, 08/03/2018 Lượt xem: 9650 In bài viết
ĐBP - Những năm gần đây, các nghề thủ công truyền thống trên địa bàn huyện Ðiện Biên được quan tâm, tạo điều kiện phát triển, đặc biệt là việc hình thành các làng nghề thủ công truyền thống. Tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân mà việc mở rộng quy mô các cơ sở nghề vẫn gặp nhiều khó khăn và không có những bước phát triển mới.


Hội viên HTX Thêu dệt thổ cẩm Lào bản Na Sang II (xã Núa Ngam) dệt khăn.

Huyện Ðiện Biên có 2 ngành nghề thủ công truyền thống tiêu biểu, có khả năng phát triển thành sản phẩm du lịch địa phương, đó là nghề mây tre đan và dệt thổ cẩm với 3 cơ sở sản xuất chính gồm: Làng nghề mây tre đan Nà Tấu (xã Nà Tấu), Hợp tác xã (HTX) Thêu dệt thổ cẩm dân tộc Thái bản Mển (xã Thanh Nưa), HTX Dệt thổ cẩm Lào bản Na Sang II (xã Núa Ngam). Làng nghề mây tre đan Nà Tấu được thành lập từ năm 2010 theo chương trình đào tạo nghề phụ cho lao động nông thôn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ. Sau một vài năm hoạt động, làng nghề gặp khó khăn bởi nguồn mây, song tự nhiên khan hiếm; diện tích cây mây được hỗ trợ trồng để tạo nguồn nguyên liệu thì chậm phát triển nên người dân phải mua nguyên liệu từ các vùng lân cận về sử dụng. Vì vậy, việc sản xuất bị hạn chế, cầm chừng. Nếu có nguyên liệu, mỗi người một ngày có thể làm được 3 - 4 chiếc ghế mây, 10 ngày làm xong một mâm bằng mây. Nhưng hiện giờ, một tháng mỗi nhà chỉ làm được vài chiếc ghế, coóng đựng xôi, giỏ đồ... Có lợi thế vị trí nằm bên quốc lộ 279 và các sản phẩm chắc chắn, đẹp mắt, được khách hàng ưa chuộng nên hầu hết các mặt hàng mây tre đan Nà Tấu làm đến đâu đều bán hết đến đấy. Giá mỗi chiếc ghế mây dao động từ 50.000 - 70.000 đồng (tùy kích cỡ), một chiếc mâm 1,5 triệu đồng. Ðây có thể sẽ là nghề truyền thống đem lại thu nhập cao, ổn định cho người nông dân nếu đảm bảo được nguồn nguyên liệu dồi dào. Ông Lò Văn Cương, Giám đốc HTX Làng nghề mây tre đan Nà Tấu, cho biết: Ðể thu hút, tạo thuận lợi cho người mua, chúng tôi đã đa dạng hóa sản phẩm mây tre đan với 26 loại mặt hàng phục vụ đời sống sinh hoạt và đồ lưu niệm khác nhau. Về đầu ra cho sản phẩm thì chúng tôi không lo lắng nhiều bởi có không ít đơn đặt hàng trong và ngoài tỉnh, khó khăn lớn nhất của HTX hiện giờ là nguồn nguyên liệu, mua ngoài thị trường giá thành cao mà vẫn không chắc chắn. HTX hiện có 22 hộ thành viên, với tình hình sản xuất hiện tại, các hộ chủ yếu chỉ tranh thủ lúc nông nhàn, thu nhập từ nghề mây tre đan cũng không cao, khoảng 700.000 đồng/tháng.

Ngược lại với hàng thủ công mây tre đan, các mặt hàng thổ cẩm tại HTX Thêu dệt thổ cẩm dân tộc Thái bản Mển và HTX Dệt thổ cẩm Lào bản Na Sang II có nguồn nguyên liệu đảm bảo nhưng lại không có đầu ra ổn định. Mặc dù, hàng năm các cơ quan chức năng của tỉnh đều tạo điều kiện để các làng nghề, HTX thủ công truyền thống giới thiệu, trưng bày sản phẩm tại các hội chợ, sự kiện du lịch trong và ngoài tỉnh nhưng kết quả cũng không thay đổi nhiều. Tại bản Mển, mặc dù đã đa dạng hóa mặt hàng với nhiều mẫu mã hay sản phẩm thêu hoa văn dân tộc khác và cả khăn rằn đặc trưng miền Nam nhưng đầu ra vẫn bấp bênh, hàng tồn kho nhiều. Một số chị em trong HTX vì sốt ruột với hàng hóa không tiêu thụ được, lại hết vốn xoay vòng mua nguyên liệu mới nên đã tranh thủ bày bán sản phẩm thổ cẩm của mình khi có khách du lịch tới bản sử dụng dịch vụ ẩm thực, giao lưu văn nghệ, tạo nên sự không thống nhất trong khâu tiêu thụ như quy định hoạt động của HTX  đề ra. Bà Lò Thị Pánh, hội viên HTX mở tủ lấy ra một xấp khăn dệt thổ cẩm cùng túi các loại mà bà tự tay làm, đưa cho chúng tôi xem, rồi bảo: “Tôi vẫn còn nhiều sản phẩm tồn, HTX không có mối hàng nên cũng chưa thu mua lại được. Vì sản phẩm không bán được ngay nên tôi hết vốn làm đồ mới, phải vay vốn ngân hàng để tiếp tục đầu tư, tham gia HTX”. Còn đối với HTX Dệt thổ cẩm Lào bản Na Sang II (xã Núa Ngam), chị Lò Thị Viên, Tổ trưởng Tổ dệt cho biết: “Mặc dù năm 2017, HTX cũng tiêu thụ được một lượng hàng khá, khoảng 600 triệu đồng nhưng vẫn bấp bênh tùy từng năm. Hơn 1 năm nay, HTX không phát triển thêm được mối hàng mới nào mà đều là khách hàng cũ”.

Ðể các ngành nghề thủ công truyền thống phát triển hơn nữa, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới thì ngoài sự chủ động kết nối, hợp tác, làm mới mình của các làng nghề, HTX thì cũng cần nhiều hơn sự quan tâm, định hướng, tham gia giải quyết khó khăn của các cơ quan chức năng trên địa bàn. Cuối năm 2017, 3 đơn vị nghề thủ công truyền thống kể trên có 5 sản phẩm được gọi tên trong danh sách 10 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của huyện Ðiện Biên. Mong rằng đây sẽ là cơ hội để các nghề thủ công có thêm điều kiện duy trì, phát triển và mở rộng quy mô sản xuất, tiêu thụ cao hơn trong tương lai.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top