Kiểm soát, kiểm dịch chất lượng con giống còn lỏng lẻo

08:26 - Thứ Sáu, 09/03/2018 Lượt xem: 9483 In bài viết
ĐBP - Khoảng thời gian cuối năm 2017, đầu năm 2018, cũng như các huyện khác trên địa bàn tỉnh, huyện Mường Nhé tiến hành hỗ trợ trâu, bò giống cho hộ nghèo bằng nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia: giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Các chính sách này nhằm góp phần tạo sinh kế, giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, đồng thời tăng tổng đàn gia súc, phát triển chăn nuôi của các địa phương. Tuy nhiên, chất lượng con giống chưa được kiểm soát chặt chẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh trên đàn gia súc.

Dịch bệnh từ con giống

Tháng 1/2018, 32 hộ nghèo bản Huổi Cọ (xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé) được UBND xã Mường Nhé - đơn vị chủ đầu tư cấp 16 con bò giống theo hình thức 2 hộ chung nhau 1 con từ nguồn vốn Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới năm 2017. Ðơn vị cung ứng là Công ty TNHH Thành Minh Mường Nhé. Nhưng không may, khi giao bò cho người dân được 2 - 3 ngày thì bò giống có biểu hiện mắc bệnh lở mồm long móng.

 

Cán bộ Trạm Thú y huyện Mường Nhé kiểm tra bò giống bị bệnh lở mồm long móng tại bản Huổi Cọ, xã Mường Nhé.

Ông Hờ Giống Khứ, bản Huổi Cọ cho biết: Ngày 9/1/2018, gia đình tôi và ông Lầu Phá Di được cấp chung 1 con bò sinh sản. Lúc nhận bò giống thấy bò khỏe mạnh, ăn uống bình thường. Nhưng đến ngày 12/1, tôi phát hiện miệng con bò bị lở loét, liên tục chảy dãi, 4 móng chân bị xước, mưng mủ. Vài ngày sau đó, con bò bỏ ăn, gầy đi trông thấy. Tôi báo ngay cho thú y xã xuống kiểm tra, kết luận con bò bị mắc bệnh lở mồm long móng. Sau hơn 1 tháng chữa trị, con bò cơ bản khỏi bệnh, ăn uống bình thường. Tương tự là hộ ông Hờ A Chứ, cùng ở bản Huổi Cọ cũng phát hiện bò bị lở mồm long móng chỉ sau 2 ngày nhận bò từ đơn vị cung ứng.

Ðược biết, năm 2017, UBND xã Mường Nhé cấp 32 con bò từ nguồn vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới cho 64 hộ nghèo thuộc 2 bản: Huổi Cọ và Co Lót; 55 con trâu từ nguồn vốn Chương trình 30a/CP cho 110 hộ nghèo thuộc 6 bản: Huổi Ban, Nà Lá 2, Nậm San 2, Co Lót 1, Nà Pán, Mường Nhé 2 và 12 con trâu giống cho bản Co Lót 1 từ nguồn vốn Chương trình 135/CP. Ông Lò Văn Tuấn, cán bộ thú y xã Mường Nhé cho biết: 100% bò giống đợt này đều mắc bệnh lở mồm long móng. Thời điểm phát hiện, bệnh dịch đã lây lan sang 10 còn trâu, bò địa phương. Một số hộ nhốt bò bị bệnh gần chuồng lợn lây bệnh cho cả đàn lợn. Ðối với đàn trâu giống chỉ vài con mắc bệnh. Ðến nay, số trâu, bò bị bệnh cơ bản đã được chữa khỏi.

Liên hệ với đơn vị cung ứng, ông Hoàng Văn Hảo, Giám đốc Công ty TNHH Thành Minh Mường Nhé cho biết: Tôi không biết số bò trên xuất xứ từ đâu và cấp cho hộ nghèo những bản nào. Bởi vì Công ty không làm trực tiếp với dân. Sau khi gom đủ số lượng bò thì Công ty bàn giao cho UBND xã Mường Nhé, xã Mường Nhé có trách nhiệm trực tiếp cung ứng cho người dân.

Làm việc trực tiếp với cơ sở, phóng viên được biết 32 con bò giống cấp cho người dân 2 bản Huổi Cọ và Co Lót là do ông Phạm Văn Hải, bản Huổi Cọ trực tiếp cung ứng. Ông Hải cho biết: “Toàn bộ số bò trên được mua từ tỉnh Vĩnh Phúc về nuôi tại bản một thời gian rồi mới cấp cho dân. Tôi cũng đã thực hiện nghiêm các thủ tục hồ sơ và công tác thú y, nhưng do thay đổi về môi trường sống, bò chưa thích ứng kịp nên bị bệnh lở mồm long móng. Sau khi phát hiện bệnh, tôi đã phối hợp chặt chẽ với thú y viên xã Mường Nhé và Trạm Thú y huyện Mường Nhé cũng cấp thuốc để người dân chữa trị. Ðến nay, toàn bộ số bò trên đã khỏi bệnh, phát triển bình thường. Tôi không thuộc biên chế của Công ty TNHH Thành Minh Mường Nhé mà được Công ty này thuê để tìm mua và cung ứng bò cho người dân.

Phối hợp chưa chặt chẽ

Năm 2017, các huyện 30a trên địa bàn tỉnh phải đợi hướng dẫn của UBND tỉnh về tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật con giống cấp cho hộ nghèo bằng nguồn vốn sự nghiệp của các chương trình: Giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Do đó, 100% các huyện đều triển khai muộn, đến tháng cuối năm 2017 mới bắt đầu triển khai. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện, điển hình là Văn bản số 2406/SNN-TY, ngày 20/11/2017 về việc tăng cường quản lý dịch bệnh giống vật nuôi thuộc các Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên. Trong đó nêu rõ: UBND các huyện chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trạm thú y, UBND cấp xã thường xuyên kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên địa bàn; tăng cường kiểm soát động vật nhập từ tỉnh khác vào địa bàn và hợp thức hóa nguồn gốc để tránh kiểm dịch vận chuyển. Giao trách nhiệm kiểm tra, giám sát về thú y như: Kiểm tra lâm sàng, hồ sơ kiểm dịch cho trạm thú y huyện và nhân viên thú y xã đối với các dự án triển khai trên địa bàn huyện do các đơn vị, tổ chức làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, thực tế triển khai thực hiện, các đơn vị liên quan đã thiếu sự liên kết, phối hợp dẫn đến chất lượng con giống “đầu vào” chưa được kiểm soát chặt chẽ, là một trong những nguyên nhân phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc. Ông Lành Văn Thủy, Trưởng trạm Thú y huyện Mường Nhé cho biết: Ðến ngày cấp trâu bò giống cho người dân, UBND xã Mường Nhé mời cán bộ thú y hỗ trợ công tác cấp giống. Tại địa điểm cấp giống, cán bộ thú y huyện và thú y viên của xã chỉ kiểm tra con giống bằng cảm quan về sức khỏe, ăn uống, biểu hiện các loại bệnh… của con giống.

Ông Bùi Minh Hải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Năm 2017, huyện Mường Ảng cấp 812 con trâu bò; huyện Ðiện Biên Ðông cấp 820 con trâu bò; các huyện: Nậm Pồ, Mường Nhé, Tủa Chùa cũng với số lượng tương đương. Theo đúng quy trình thì trước khi UBND các xã bàn giao con giống cho người dân thì UBND huyện phải chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Thú y kiểm tra giúp xã bộ hồ sơ dự án đã đúng quy chuẩn và kiểm tra hiện trạng con giống có đúng theo hồ sơ hay không. Nếu các bước đều đạt thì mới ký nhận, bàn giao cho người dân. Nhưng thực tế, một số địa phương thực hiện chưa nghiêm túc. Ðơn cử như huyện Ðiện Biên Ðông, khi xã nhận bò dự án giao cho người dân, Trạm Thú y huyện không hề hay biết. Ðến khi trâu bò bị bệnh, người dân báo thì mới biết và triển khai chữa trị.

Hiện nay, công tác kiểm dịch chưa được kiểm soát chặt chẽ nên khi cấp phát con giống cho người dân dễ phát sinh, lây lan dịch bệnh. Do đó, các đơn vị liên quan như: Chủ đầu tư, đơn vị cung ứng giống, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn cần có cơ chế phối hợp toàn diện, đảm bảo con giống đến tay người dân hoàn toàn khỏe mạnh, phù hợp, phát triển tốt.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top