Tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế vườn rừng

09:19 - Thứ Sáu, 09/03/2018 Lượt xem: 9369 In bài viết
ĐBP - Hiện nay toàn tỉnh có 329 hộ tham gia phát triển mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng, rừng (VACR); 317 hộ phát triển mô hình kinh tế trang trại. Do đó, đã có thêm hàng chục nghìn hécta rừng có chủ, được khoanh nuôi và bảo vệ. Người dân đã biết tận dụng đất rừng, dưới tán rừng để trồng cây ăn quả, như: cam, chanh; cây công nghiệp: sa nhân, mắc ca, dong riềng... Từ đó, không chỉ bảo vệ được diện tích rừng, góp phần tăng độ che phủ, chống xói mòn, rửa trôi đất, bảo vệ môi trường sinh thái mà mỗi năm hàng trăm hộ nông dân có thu nhập từ vài chục triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng từ các mô hình kinh tế này.

Ông Vàng A Châu, ở bản Nà Pen 1, xã Nà Nhạn (huyện Ðiện Biên) nhận khoanh nuôi bảo vệ gần 31ha rừng. Ngoài 5ha cây ăn quả trên đất rừng chuẩn bị cho thu hoạch, ông Châu còn sản xuất 2ha lúa nước, chăn nuôi 50 con trâu, bò sinh sản, trên 500 con gia cầm. Tận dụng địa thế gần khe suối, ông xây hệ thống ao nuôi thủy sản trên 3.000m2, nuôi cá thương phẩm và cá giống cung cấp cho các hộ dân trên địa bàn xã. Ông còn đầu tư dịch vụ máy nông nghiệp cày, phay đất, tuốt lúa phục vụ bà con nông dân. Tổng thu nhập của gia đình ông đạt 450 triệu đồng/năm.

 

Ông Lò Văn Pâng, bản Tà Cáng, xã Nà Tấu kiểm tra mắc ca chuẩn bị cho thu hoạch.

Ở bản Tà Cáng, xã Nà Tấu (huyện Ðiện Biên) có ông Lò Văn Pâng được người dân trên địa bàn gọi với biệt danh “Pâng khoai lang” hay “Pâng dong riềng”, bởi từ lâu ông Pâng nổi tiếng với việc xây dựng thành công mô hình VACR trong đó có sản xuất 2 loại cây này. Ngoài việc nhận khoanh nuôi bảo vệ 20ha rừng, ông Pâng trồng trên 10ha dong riềng, 1ha khoai Nhật. Hiện nay, trên diện tích rừng nhận khoanh nuôi, bảo vệ, ông Pâng trồng xen 10ha cây mắc ca đã bắt đầu cho thu hoạch. Cùng với đó, ông đầu tư 1ha để làm dịch vụ du lịch sinh thái, thu hút nhiều người đến vui chơi, vãn cảnh. Mỗi năm gia đình ông Pâng thu nhập trên 1 tỷ đồng từ cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày và tiền làm dịch vụ.

Ông Châu, ông Pâng chỉ là 2 trong số nhiều nông dân đã xây dựng, phát triển thành công mô hình kinh tế VACR, cho thu nhập cao. Bà Cao Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Nông tỉnh cho biết: Những năm qua, nhiều nông hộ đã khai thác tiềm năng kinh tế rừng phát triển sản xuất, đã có hàng trăm hộ nhận khoanh nuôi bảo vệ hàng nghìn hécta rừng. Nhiều hộ đã phát triển kinh tế rừng bằng mô hình kinh tế trang trại, mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp, cây lấy gỗ, cây ăn quả, cây dược liệu và chăn nuôi đại gia súc; khai hoang sản xuất lúa nước; đắp đập, ngăn suối đào ao thả cá… Sản xuất kinh doanh hiệu quả, nhiều hộ đã đúc rút kinh nghiệm sử dụng sức lao động mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao vai trò tự chủ, tự quản lý kinh tế và khai thác tiềm năng kinh tế rừng, thoát cảnh đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Từ đó góp phần giảm số hội viên nông dân nghèo từ 3 - 5%/năm. Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hội viên phát triển các mô hình kinh tế, hội nông dân các cấp đã nâng cao vai trò liên kết, là “cầu nối” hỗ trợ hội viên, như: phối hợp với các cơ quan chuyên môn về lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, hội thảo đầu bờ trao đổi kinh nghiệm... Song song với đó là phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội nhận uỷ thác vốn vay cho hội viên phát triển kinh tế, số dư bình quân trên 550 tỷ đồng/năm; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn giúp hội viên nông dân vay vốn theo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về “Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn”... Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp cũng triển khai thực hiện 19 dự án Quỹ hỗ trợ nông dân với số vốn trên 9 tỷ đồng cho hội viên vay phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập...

Bài, ảnh: Thành Ðạt
Bình luận
Back To Top