Nỗ lực phòng, chống dịch cúm gia cầm

08:55 - Thứ Hai, 12/03/2018 Lượt xem: 8857 In bài viết
ĐBP - Vài năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch cúm gia cầm; đàn gia cầm được chăm sóc, giám sát dịch bệnh chặt chẽ. Song, cảnh giác trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm và tại quốc gia giáp biên giới là Trung Quốc đã xuất hiện người nhiễm vi rút cúm A/H7N9, tỉnh ta đã chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm xâm nhập vào địa bàn.


Cán bộ Trạm Thú y huyện Ðiện Biên phun tiêu độc khử trùng tại xã Thanh Xương.

Thời điểm đầu năm 2018, thời tiết giao mùa, nắng mưa thất thường là điều kiện thuận lợi để vi rút cúm gia cầm phát triển và di chuyển từ vùng này sang vùng khác. Cùng với đó, lưu lượng vận chuyển, lưu thông gia cầm trong dịp này rất lớn, việc kiểm dịch còn một số hạn chế, kiểm dịch nội tỉnh đã bãi bỏ tiềm ẩn nguy cơ lây truyền dịch cúm gia cầm sang người. Hiện nay, tỉnh ta có khoảng 3 triệu con gia cầm, trong đó tập trung tại vùng lòng chảo Ðiện Biên và trung tâm các huyện. Lượng cung giống gia cầm, gia cầm thịt trong tỉnh đáp ứng không đủ nên phải vận chuyển từ các tỉnh dưới xuôi lên, tăng nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 01/CÐ-UBND, ngày 12/2/2018 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; ngăn chặn vi rút cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm nguy hiểm khác xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho UBND các huyện, thị xã, thành phố; các sở, ngành và đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm.

Ông Ðỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cho biết: Chi cục  đã tăng cường hợp tác với các tỉnh giáp ranh và trong khu vực tập trung trao đổi thông tin về diễn biến dịch bệnh; phối hợp tuyên truyền, xử lý các vi phạm đối với các chủ hàng, chủ cơ sở kinh doanh vận chuyển giữa các tỉnh. Chi cục Thú y tỉnh yêu các trạm thú y chỉ đạo mạng lưới thú y viên bám sát cơ sở, giám sát chặt chẽ biến động đàn, diễn biến dịch bệnh, phát hiện sớm, báo cáo, khoanh vùng, xử lý không để lây lan diện rộng; tổ chức lấy mẫu lưu hành vi rút cúm gia cầm theo chương trình của Cục Thú y. Cùng với đó, hàng năm Chi cục triển khai tiêm phòng để tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia cầm hiện có. Năm 2017, toàn tỉnh đã tiến hành tiêm gần 1,7 triệu liều vắc xin cho đàn gia cầm; triển khai vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường nhằm ngăn chặn mầm bệnh. Hiện nay, Chi cục đang phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, đôn đốc triển khai hoàn thành tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng đợt 2 năm 2017 (thực hiện trong quý I năm 2018). Ngoài ra, Chi cục Thú y tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác chỉ đạo về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn. Kiểm tra các hoạt động kinh doanh, giết mổ, vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm. Bên cạnh đó, ngành Thú y tập trung nâng cao năng lực mạng lưới thú y cơ sở, chủ động xây dựng kế hoạch tại các địa phương sát với thực tế sản xuất.

Ðối với UBND các huyện, thị xã, thành phố phải đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh và các phương tiện thông tin đại chúng về sự nguy hiểm của cúm gia cầm. Tuyên truyền để nhân dân giám sát, phát hiện, đấu tranh với các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu trên địa bàn. Tại các cơ sở chăn nuôi, kinh doanh các sản phẩm gia cầm phải mua gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc xuất xứ đã được kiểm soát thú y. UBND cấp huyện phải chủ động bố trí kinh phí, nhân lực, vật lực tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản năm 2018. Ðồng thời, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát phát hiện sớm và khống chế kịp thời ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng, đặc biệt là những khu vực có nguy cơ cao, nơi tập trung chăn nuôi, nơi có ổ dịch cũ.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận
Back To Top