Ðẩy mạnh chế biến, quảng bá cà phê thành phẩm - giải pháp ổn định đầu ra

09:32 - Thứ Sáu, 16/03/2018 Lượt xem: 10084 In bài viết
ĐBP - Từ nhiều năm qua, cà phê luôn được xác định là cây mũi nhọn trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện Mường Ảng. Ðến hết năm 2017, toàn huyện có 3.309ha, trong đó chủ yếu là diện tích cà phê đang cho thu hoạch. Tuy nhiên giá trị mà cây cà phê đem lại mới chỉ là tạo việc làm và thu nhập cho người làm thuê. Những người chủ của 3.309ha cà phê thì vẫn chưa thực sự yên tâm bởi đầu ra không ổn định, phụ thuộc vào tư thương dẫn đến tình trạng được mùa thì mất giá… cứ lặp đi lặp lại.

 

Công nhân Công ty TNHH Hải An vận hành dây chuyền sản xuất.

Ðể giải quyết đầu ra cho cây cà phê, những năm qua huyện Mường Ảng đã tổ chức nhiều đoàn công tác đi Buôn Ma Thuột, Ðắk Lắk, TP. Hồ Chí Minh... để tìm hiểu thị trường, quảng bá sản phẩm và kêu gọi đối tác đầu tư, thu mua sản phẩm. Tuy nhiên kết quả vẫn chỉ là con số không vì vùng nguyên liệu của Mường Ảng không đủ lớn để các doanh nghiệp đầu tư nhà máy. Mặt khác quãng đường vận chuyển cà phê đến các trung tâm chế biến lại xa, đội giá thành sản phẩm nên các doanh nghiệp không mấy mặn mà. Thậm chí UBND huyện Mường Ảng đã triển khai kế hoạch hỗ trợ thu mua cho người dân trong niên vụ vừa qua nhưng cũng không hiệu quả. Do vậy mà đến nay, đầu ra cho cà phê Mường Ảng hàng năm vẫn chủ yếu phụ thuộc vào 2 doanh nghiệp là: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Việt Bắc và Doanh nghiệp Tư nhân Cà phê Minh Tiến. Chính vì vậy mà dẫn đến tình trạng đầu ra không rộng, giá thành sản phẩm luôn thấp hơn các khu vực khác.

Mấy năm gần đây, trên địa bàn huyện đã có một số cơ sở chế biến cà phê thành phẩm tư nhân đi vào hoạt động và bước đầu khẳng định thương hiệu. Có thể nói đây là một hướng đi đúng đắn vừa góp phần tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, nâng cao giá trị kinh tế của cây cà phê và tạo việc làm cho lao động. Vì vậy mà tháng 9 vừa qua UBND huyện Mường Ảng đã tổ chức bình chọn và trao Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện năm 2017 cho 10 sản phẩm. Trong đó có 7 sản phẩm liên quan đến sản xuất và chế biến cà phê. Ðiều đáng mừng nữa là cà phê Mường Ảng đều có nét đặc trưng tiêu biểu trong từng sản phẩm. Ví dụ như: cà phê bột Arabica và cà phê bột Moon Coffee của Công ty TNHH Hải An được chọn lọc từ những hạt cà phê chất lượng, chế biến bằng công nghệ rang xay hiện đại của Châu Âu; hay Cà phê Hà Chung được rang thủ công bằng than củi theo phương pháp truyền thống, có hương vị đậm đà, thơm ngon tự nhiên; Honeycoffee (cà phê mật ong) của Công ty TNHH Ðại Bách là sản phẩm cao cấp, khá ấn tượng trong các sản phẩm cà phê tại Mường Ảng. Tuy nhiên dòng sản phẩm này lại “kén khách” nên chưa có sự lan tỏa rộng, hiện mới chủ yếu được tiêu thụ với số lượng nhỏ tại một số thị trường (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh).

Về vấn đề này nhiều chuyên gia cho rằng, do thói quen uống “cà phê độn” tẩm hương liệu của khách hàng nên họ chưa quen với hương vị tự nhiên và tinh tế của cà phê nguyên chất. Theo một chủ cửa hàng cà phê lớn tại TP. Ðiện Biên Phủ, mỗi tháng chỉ có khoảng 10% sản phẩm cà phê Mường Ảng được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.

Nếu tuyên truyền, quảng bá tốt và điều quan trọng hơn là người tiêu dùng chịu thay đổi thói quen, chọn sản phẩm an toàn cho sức khỏe thì như cách tính trên, không cần đến 30 tỉnh thành miền Bắc đã đảm bảo được đầu ra cho cà phê Mường Ảng. Mặt khác cần có những cơ chế hỗ trợ phù hợp đối với các cơ sở chế biến cà phê thành phẩm trên địa bàn thay vì đi kêu gọi nơi khác, để thương hiệu cà phê Mường Ảng ngày càng được khẳng định và lan tỏa.

Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top