Thêm nhiều người Việt tin dùng hàng Việt

08:48 - Thứ Tư, 21/03/2018 Lượt xem: 8454 In bài viết
ĐBP - Ðiều đáng mừng cũng là nét nổi bật trong việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thời gian qua trên địa bàn tỉnh ta đó chính là đã làm thay đổi nhận thức, lựa chọn sử dụng hàng sản xuất trong nước cho người tiêu dùng. Nhất là thông qua Chương trình đưa hàng Việt về miền núi, vùng cao, biên giới nhiều hơn các mặt hàng chất lượng được đến gần hơn với người tiêu dùng, cũng như tạo cơ hội mở rộng thị trường cho chính doanh nghiệp tham gia…

 

Người dân tham quan, mua sắm tại gian hàng quần áo tại phiên chợ đưa hàng Việt về xã Mường Toong (huyện Mường Nhé).

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) cho biết, với sự nỗ lực trong việc mời gọi các doanh nghiệp tham gia, các phiên chợ được tổ chức đều đảm bảo quy mô gian hàng, số doanh nghiệp, đơn vị tham gia và sự hào hứng, đông đảo của người dân đến tham quan, mua sắm hàng hóa là động lực khích lệ chúng tôi có động lực để tiếp tục tổ chức các phiên chợ tiếp sau. Nhớ lại phiên chợ đưa hàng Việt về vùng cao xã Mường Toong (huyện Mường Nhé) được tổ chức cuối tháng 10/2017, bà Minh kể, từ TP. Ðiện Biên Phủ vượt hơn 200 cây số đến được Mường Toong (huyện Mường Nhé) chả đơn giản chút nào. Bởi 14 doanh nghiệp vừa phải đảm bảo thời gian vừa phải giữ để hàng hóa an toàn, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, đồ gia dụng. Phiên chợ này thu hút khá nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa, dịch vụ viễn thông tham gia với nhiều sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước, phong phú về chủng loại, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thu hút đông đảo người dân trên địa bàn xã Mường Toong và vùng lân cận tham gia.

Nhiều năm trực tiếp làm công tác tổ chức các phiên chợ hàng Việt về miền núi, vùng cao, biên giới, bà Nguyễn Thị Minh khẳng định: 100% mặt hàng được bày bán tại các phiên chợ đưa hàng về vùng cao, biên giới đều là hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng với nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá kèm theo. Có mẫu mã đa dạng, có chất lượng tốt, giá cả hợp lý nên ngày càng thu hút lượng lớn người dân vùng cao, biên giới lựa chọn, mua sắm. Chương trình không chỉ tạo ra sự tương tác giữa doanh nghiệp và người dân khu vực nông thôn mà còn góp phần chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của người tiêu dùng trong việc thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước. Người dân còn có thêm cơ hội để tham quan, mua sắm; có thêm thông tin để so sánh, đánh giá về chất lượng, giá bán của hàng sản xuất trong nước với hàng nhập ngoại. Còn về phía doanh nghiệp, việc tham gia các phiên chợ hàng Việt đã giúp họ quảng bá, giới thiệu và tiếp cận được thị trường. Từ đó nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu và sức mua của người dân để đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp hơn. Khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy, tại khá nhiều chợ ở các vùng nông thôn trên địa bàn huyện Mường Nhé, Tuần Giáo, Nậm Pồ, Ðiện Biên Ðông hàng hóa sản xuất trong nước chiếm khá nhiều thị phần so với trước, nhất là đối với hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng thực phẩm, quần áo may mặc. Anh Sồng A Dâu, xã Mường Toong (huyện Mường Nhé) cho biết: Là công nhân cao su thu nhập không cao nên việc mua hàng Việt có giá cả phù hợp, lại yên tâm về chất lượng vì hàng hóa đều có xuất xứ rõ ràng. Thêm vào đó là tôi có kinh nghiệm hơn trong việc phân biệt hàng kém chất lượng, hàng nhái để tránh.

Thực tế cho thấy, hiệu quả của những chuyến hàng và phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi là rất rõ. Song để người tiêu dùng tin dùng, gắn bó lâu dài với hàng Việt, cùng với việc đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao chất lượng hàng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; cần tiếp tục “trợ lực” để doanh nghiệp mặn mà hơn trong việc tham gia các chương trình, phiên chợ; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống các hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top