Bảo vệ, phát triển rừng ở Ðiện Biên Ðông

Còn nhiều trăn trở

09:02 - Thứ Năm, 22/03/2018 Lượt xem: 8586 In bài viết
ĐBP - Diện tích đất có rừng ở huyện Ðiện Biên Ðông hiện nay là 30.191ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 25,5%, thuộc diện thấp nhất tỉnh. Những năm qua, vấn đề quy hoạch, bảo vệ, phát triển rừng ở Ðiện Biên Ðông nhận được sự quan tâm của nhiều cấp, ngành và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, để người dân nơi đây thực sự gắn bó, chung tay phát triển để hưởng lợi từ rừng vẫn là những băn khoăn chưa có lời giải.

Nói về thực trạng rừng ở Ðiện Biên Ðông hiện nay, nhiều người hay buông một câu chua chát rằng “cơ bản đã phá xong”. Chưa cần xem số liệu thống kê, mà thực tế khi đi dọc quốc lộ 12 vào đến vùng giáp ranh huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La), quan sát 2 bên đường, hầu hết chỉ là những dãy núi đã bị “cạo trọc”, loang lổ như những tấm áo vá. Ðứng tại một vị trí có tầm quan sát tốt trên đỉnh đèo Chóp Ly (bản Chóp Ly, xã Keo Lôm), phóng tầm mắt bao quát một vùng rộng lớn, chúng tôi thấy khoảng xanh của rừng rất ít, chỉ là những chấm nhỏ không đáng kể giữa trập trùng đồi núi trọc. Cùng đứng quan sát với chúng tôi, ông Vàng Quốc Minh, Chủ tịch UBND xã Keo Lôm ngậm ngùi chia sẻ: Là người sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, hơn 50 năm qua tôi được chứng kiến nhiều sự đổi thay tích cực của quê hương, nhưng riêng với rừng thì ngược lại, đã có quá nhiều những hao tổn, mất mát. Còn nhớ, thủa vẫn là đứa trẻ chăn trâu, rừng ở đây bạt ngàn. Ngay phía ta luy âm quốc lộ 12 trước mắt chúng ta thôi, cây gỗ lớn nhiều vô kể. Hồi đó, gỗ nhiều đến mức cho không ai lấy. Thi thoảng nhà thiếu củi đun, người dân chỉ cần cầm búa ra bìa rừng là bắt gặp ngay thân gỗ lớn đường kính hàng mét bị gãy đổ, đã khô do để lâu không ai sử dụng. Chúng tôi khi đó còn nghĩ rằng rừng sẽ chẳng bao giờ hết được. Vậy mà...!

Trao đổi về vấn đề bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn, ông Lò Văn Hương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ðiện Biên Ðông cho biết: Huyện có tổng diện tích tự nhiên trên 120.686ha, trong đó diện tích đất chưa có rừng chiếm trên 65.471ha, đất khác hơn 24.722ha. Ðây là số liệu đáng buồn ở một địa phương với kinh tế chủ đạo là nông - lâm nghiệp. Việc quy hoạch, phát triển rừng ở địa phương đã nhiều lần đưa ra bàn bạc, nhưng có nhiều cái khó. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã phản ánh về những vấn đề vướng mắc trong quy hoạch rừng trên địa bàn huyện. Người ta nói là “giao đất, giao giời” cũng có cái lý của họ nhưng mọi người cần hiểu rằng: Nếu ngay từ bây giờ chúng ta không quy hoạch những diện tích đất trống thành đất rừng thì tương lai sẽ rất khó trong việc phát triển rừng, thậm chí dễ dẫn đến xung đột về quyền lợi, pháp luật giữa người dân với chính quyền, ngành chuyên môn. Ðã có rất nhiều bài học trong vấn đề này, mặc dù đất đai thuộc quản lý Nhà nước nhưng sẽ rất khó khi yêu cầu người dân tự nguyện chuyển quyền sử dụng “tư” thành “công”, kể cả khu vực vùng cao, đất đai bạc màu. Ðiển hình như chúng ta đã biết là việc bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, 1 cây ớt người dân còn đòi bồi thường 200.000 đồng thì không dễ gì bà con giao cả héc ta nương để trồng rừng.

Vấn đề tiếp theo là làm sao để người dân gắn bó, phát triển và thu lợi từ rừng? Ðây là một nội dung không hề đơn giản, bởi như chúng ta đã biết, với đặc thù vùng cao, giao thông khó khăn, xa các trung tâm tiêu thụ nguyên liệu gỗ, người dân nếu trồng được nhiều rừng sản xuất cũng không dễ tiêu thụ. Hiện nay mới có huyện Mường Ảng có tương lai hứa hẹn trong phát triển trồng rừng sản xuất, bởi huyện đã thực hiện được một số cam kết với đơn vị tiêu thụ là Nhà máy giấy Bãi Bằng. Nhưng Mường Ảng là địa bàn dù sao cũng thuận lợi hơn Ðiện Biên Ðông về địa lý, giao thông... Ngay như chỉ tiêu trồng cây phân tán với số lượng 60.000 cây/năm nhưng năm 2018 này Ðiện Biên Ðông cũng khó triển khai được. Nguyên nhân là huyện không cân đối được nguồn vốn (hiện nay huyện còn “âm” hơn 2 tỷ đồng kinh phí trồng cây). Hiện huyện đang phải kiến nghị Sở Tài chính can thiệp, hỗ trợ.

Về phía người dân, nói gì thì nói “có thực mới vực được đạo”. Không thể bắt người dân nhịn đói ngồi canh rừng được. Hạt trưởng kiểm lâm Lò Văn Hương chia sẻ: Muốn bà con gắn bó với rừng, đương nhiên phải tạo được lợi ích kinh tế cho người dân, nhưng nguồn thu trực tiếp, đơn giản nhất từ rừng là tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn cũng khiến chúng tôi... đau đầu. Với chưa đầy 6.000 đồng/ha/năm để bảo vệ rừng nhiều hộ không nhận. Và khi họ không nhận tiền cũng đồng nghĩa họ sẽ không nhận trách nhiệm trong bảo vệ diện tích rừng hiếm hoi còn lại. Cụ thể, như tại thị trấn Ðiện Biên Ðông, chủ rừng không kê khai diện tích rừng, không hợp tác với tổ nghiệm thu vì tiền chi trả quá thấp. Năm nay chúng tôi còn 5,1 tỷ đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, gồm diện tích 205,8ha của cộng đồng bản Háng Trợ A, B, C thuộc xã Pú Nhi (lưu vực nước phục vụ 4 nhà máy thủy điện nội tỉnh) và trên 17.257ha lưu vực sông Mã. Tuy nhiên, để phân bổ số tiền này sao cho công bằng, tránh thắc mắc, xung đột giữa các cộng đồng là vấn đề đang được huyện xem xét, cân nhắc.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top