Nâng cao năng suất, chất lượng mủ cao su

09:05 - Thứ Hai, 26/03/2018 Lượt xem: 10311 In bài viết
ĐBP - Năm 2018 là năm thứ 2 Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên đưa cây cao su vào khai thác mủ. Tổng diện tích Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam phê duyệt khai thác khá lớn (hơn 1.223,5ha). Sau năm đầu đưa vào khai khác, năng suất, sản lượng mủ đạt kết quả khả quan là tiền đề, động lực để Công ty tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng khai thác mủ phù hợp với điều kiện địa hình, nhân lực tại địa phương.

Tổ chức khai thác và thu hoạch mủ cao su trên địa hình đất dốc, chia cắt nhỏ lẻ, phân tán và dàn trải khác biệt với vùng cao su truyền thống; công nhân cạo mủ chưa có kinh nghiệm, tình trạng thiếu hụt lao động cạo mủ... là những khó khăn không nhỏ trong năm đầu Công ty đưa cây cao su vào khai thác. Khắc phục điều đó, hơn 630,8ha cao su được đưa vào khai thác trong năm 2017 đã thu về sản lượng 443,18 tấn mủ quy khô, năng suất vườn cây 0,703 tấn/ha, vượt chỉ tiêu kế hoạch Tập đoàn giao. Ðây là thành công ban đầu cũng là cơ sở để khẳng định việc đầu tư phát triển cây cao su đã thu “trái ngọt” sau gần chục năm được trồng trên đất Ðiện Biên, góp phần tích cực tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và người dân vùng dự án.

 

Công nhân Nông trường Cao su Ðiện Biên thực hành cạo mủ cao su.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên cho biết: Giải pháp kỹ thuật, đặc biệt là quá trình khai thác đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng khai thác mủ cao su. Vì thế, để công tác mở cạo đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật và đảm bảo tiến độ kế hoạch giao; Công ty đã xây dựng kế hoạch mở cạo từ cuối năm 2017; tiến hành kiểm kê chất lượng vườn cây đủ tiêu chuẩn trước khi mở cạo. Sau đó là chủ động các phương án về nhân lực, đầu tư vật tư (kiềng, máng, thùng đựng mủ...); phân việc chia phần cạo cho công nhân, tổ chức thu nhận mủ... thuận lợi nhất khi bắt tay vào cạo mủ. Nhân lực khai thác mủ là vấn đề nan giải, nhất là mùa cạo mủ cao su có tới 4 tháng (5, 6, 7, 8) là mùa mưa, khó khăn hơn trong việc vận chuyển mủ, thiếu hụt lao động cạo mủ do trùng vào mùa làm ngô, lúa nương; trong khi yêu cầu cạo mủ đòi hỏi kỹ thuật cao, nhát cạo chính xác. Năm 2017, Công ty đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam và Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su Việt Nam tổ chức đào tạo tay nghề cạo mủ cho hơn 300 cán bộ, công nhân; chú trọng khâu rèn luyện tay nghề trước khi mở cạo.

Nâng cao trách nhiệm, đảm bảo thu nhập cho người lao động trực tiếp cạo mủ, mỗi công nhân, hộ nhận khoán vườn cây đều được chia từ 3 - 4 phần cạo (mỗi phần từ 400 - 450 cây hiện hữu đã được kiểm kê). Trong đó, yêu cầu đối với vườn đưa vào khai thác năm đầu phải đảm bảo số cây khai thác từ 280 - 350 cây/phiên cạo/người).

Ðặc thù địa hình vùng trồng cao su là đồi núi dốc và hệ thống đường giao thông, nhất là giao thông lên lô khó khăn (đặc biệt vào mùa mưa) ảnh hưởng tới công tác thu nhận, vận chuyển mủ nên việc thực hiện thu mủ đông (thu từ 2 - 3 lần/tháng) là giải pháp hữu hiệu, phù hợp với địa hình vườn cây lại vừa tiết kiệm được thời gian, nhân công thu mủ. Nhờ đó việc vận chuyển mủ bằng xe máy đến các kho tập kết cũng thuận lợi hơn.

Thực tế cho thấy, diện tích cao su đưa vào khai thác mủ trong năm 2018 có tới khoảng 47% có cao trình từ 600m trở lên so với mực nước biển. Diện tích này khi đưa vào khai thác thường xảy ra các bệnh phấn trắng, bệnh rụng lá corynespora dẫn tới giảm sản lượng và cạo muộn. Vì thế, Công ty đã chỉ đạo các nông trường, đội sản xuất thường xuyên thăm vườn, kiểm tra, kịp thời phát hiện bệnh để có biện pháp xử lý hiệu quả, hạn chế thấp nhất đến việc ảnh hưởng năng suất, chất lượng khai thác mủ.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top