Huyện Ðiện Biên

Nông dân lao đao vì rau rớt giá

08:41 - Thứ Năm, 29/03/2018 Lượt xem: 10605 In bài viết
ĐBP - Gần nửa tháng nay, nhiều hộ dân trồng su hào, bắp cải trên địa bàn huyện Ðiện Biên điêu đứng vì giá rau rẻ, ít người mua. Rau rớt giá thảm hại nên nhiều hộ bỏ mặc rau ngoài đồng không thu hoạch, một số hộ thu về làm thức ăn chăn nuôi.

Sau Tết Nguyên đán, gia đình anh Nguyễn Ðức Dũng, đội 18 xã Noong Luống trồng khoảng 3.000m2 rau bắp cải. Sau hơn 2 tháng đầu tư, chăm bẵm, những luống bắp cải tươi tốt, căng mọng, có trọng lượng trung bình từ 2 - 3kg/cây. Nhưng không may cho anh Dũng, đúng vụ thu hoạch thì bắp cải rớt giá thảm hại. Xót của, gia đình anh Dũng thu hoạch, đi bán đổ tại các chợ đầu mối trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ. Sau vài lần “lọ mọ” dậy từ 1 - 2 giờ sáng chở bắp cải lên bán đổ tại chợ Mường Thanh với giá “rẻ như cho” mà vẫn ế, anh Dũng quyết định bỏ mặc rau ngoài đồng, không thu hoạch. Những luống bắp cải quá lứa không được thu hái, nứt toác, nở trắng đồng. Anh Nguyễn Ðức Dũng buồn bã nói: Vụ rau này, tôi gieo trồng khoảng 5.000 cây bắp cải. Nửa tháng nay, rau bắp cải rớt giá chỉ còn 1.000 đồng/kg, mang đi bán đổ ở chợ mà thương lái vẫn không mua. Năm ngoái tầm này, bắp cải có giá 7.000 đồng/kg, thương lái đánh ô tô xuống tận đồng thu mua; với 3.000m2 rau cho thu hoạch 10 tấn bắp cải, tổng thu nhập 70 triệu đồng. Nhưng năm nay giá rau rẻ, bán chưa được 1/3 diện tích, coi như mất trắng.

 

Gia đình anh Nguyễn Ðức Dũng, đội 18, xã Noong Luống thu hoạch rau bắp cải.

Không cần giỏi tính toán cũng thấy người dân trồng bắp cải, su hào thua lỗ nặng. Chi phí đầu tư 1.000m2 rau bắp cải, su hào khoảng 3 triệu đồng gồm: giống, phân chuồng, phân lân, đạm và thuốc bảo vệ thực vật chưa kể công chăm sóc. Trên diện tích 1.000m2 rau cho thu hoạch khoảng 3 tấn, với giá 1.000 đồng/kg, nếu bán được thu về khoảng 3 triệu đồng, coi như lấy công làm lãi; nếu không bán được thì “trắng tay”. Ông Nguyễn Ðình Thúy, đội 1 xã Pom Lót cho biết: Gia đình tôi trồng 1.000m2 rau bắp cải và su hào. Ðến ngày thu hoạch không thấy thương lái thu mua vì giá rau quá rẻ trong khi lượng cung rất lớn. Rau bắp cải đã nở bung trắng vườn, còn su hào có củ nặng 3kg nhưng gia đình đành bỏ mặc vì không bán được. Mấy ngày hôm nay, tôi phải gọi hàng xóm sang chặt về làm thức ăn cho gia súc, gia cầm để trồng vụ rau mới.

Ðược biết, vụ này xã Pom Lót trồng 10ha rau các loại, trong đó, có khoảng 40% là su hào, bắp cải. Hiện nay, tại bãi màu dưới chân cầu Pắc Nậm, người dân đang chặt bỏ bắp cải, su hào để chuẩn bị trồng vụ rau mới. Ông Nguyễn Quang Bắc, Chủ tịch UBND xã Pom Lót cho biết: Năm 2017, người dân đổ xô trồng cà pháo thì cà rớt giá, giá bắp cải, su hào lại cao. Năm nay, người dân ưu tiên nhiều diện tích trồng bắp cải, su hào thì lại rớt giá sâu. Vụ rau này, phần lớn các hộ dân trên địa bàn chịu thua lỗ. Trước tình hình đó, UBND xã đã báo cáo UBND huyện tìm giải pháp hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, huyện cũng “đành chịu” vì đa phần người dân trồng rau tự phát, theo hướng truyền thống, rau không được kiểm định chất lượng nên việc tìm đầu ra rất khó khăn. Những năm qua, việc “được mùa mất giá” vẫn diễn ra thường xuyên. Ðể hạn chế tình trạng này, xã Pom Lót đã thành lập Hợp tác xã rau an toàn. Hiện nay, UBND xã đang kêu gọi, vận động người dân trồng rau tham gia hợp tác xã để được đảm bảo từ quy trình sản xuất đến bao tiêu sản phẩm, tạo thương hiệu cho sản phẩm rau Pom Lót, từ đó hạn chế rủi ro, thiệt hại về kinh tế.

Có một nghịch lý là, trong khi người nông dân phải bán tống, bán tháo, thậm chí phải chặt bỏ làm thức ăn chăn nuôi thì người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận mua rau với mức giá cao gấp 5, thậm chí gấp 10 lần so với giá rau tại ruộng. Theo khảo sát, 2 tuần trở lại đây, giá rau bắp cải, su hào tại các chợ: Mường Thanh, Trung tâm I, Trung tâm III (TP. Ðiện Biên Phủ) dao động từ 7.000 - 10.000 đồng/kg. Chị Vũ Thị Ngần, tiểu thương buôn bán rau tại chợ Mường Thanh cho biết: Giá su hào, bắp cải từ đầu tháng 3 là 10.000 đồng/kg. Hiện nay, giá bắp cải giảm xuống còn 7.000 đồng/kg, su hào 5.000 đồng/kg. Giá rau tại chợ cao gấp 5 - 10 lần giá rau tại ruộng vì chúng tôi không mua trực tiếp từ người trồng rau mà đa phần qua một đầu mối trung gian. Do đó, khi bán ra chợ bắt buộc phải đẩy giá cao lên mới có lãi.

Thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình trồng rau an toàn, nhiều chuỗi liên kết sản xuất, doanh nghiệp hợp tác với nông dân để bao tiêu sản phẩm, tạo thương hiệu rau cũng như nông sản Ðiện Biên. Tuy nhiên, đối tượng áp dụng là những hộ dân tham gia các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, chiếm một phần rất nhỏ trong số những hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, người nông dân ngoài hợp tác xã đang phải “tự bơi” trong việc tìm kiếm đầu ra sản phẩm, phải gồng mình cam chịu thua lỗ qua các đợt “bão giá” mà chính quyền địa phương chưa tìm được giải pháp “đặc hiệu”. Ðành rằng, chúng ta đang trong tiến trình cải cách, tái cơ cấu nông nghiệp cũng như các mô hình hợp tác xã đang dần hoàn thiện quy trình, cơ chế hoạt động. Nhưng thiết nghĩ, chính quyền các địa phương, các cơ quan chuyên môn ngành Nông nghiệp cũng cần có những biện pháp hỗ trợ người nông dân. Ðặc biệt là công tác dự báo, đánh giá thị trường. Ðơn cử như từ năm 2015 - 2017, xã Pom Lót tổ chức 6 cuộc tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn trong khi người dân đã nắm chắc quy trình, kỹ thuật nhưng cái họ cần là công tác dự báo thị trường để trồng rau có quy hoạch, hạn chế tình trạng trồng ồ ạt, độc canh 1 loại rau dẫn đến “được mùa mất giá” thì chưa một lớp tập huấn nào được triển khai.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top