Phòng, chống dịch bệnh cho gia súc khi giao mùa

08:48 - Thứ Sáu, 30/03/2018 Lượt xem: 9672 In bài viết
ĐBP - Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thời tiết diễn biến phức tạp, lúc nắng lúc mưa, nhiệt độ về đêm và sáng sớm lạnh. Ðó là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh tồn lưu trong môi trường, nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Ðảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản năm 2018 trên địa bàn tỉnh. Các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương bố trí đủ kinh phí, nhân lực, vật lực triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Ðối với các địa phương tiêm phòng vắc xin định kỳ từ nguồn vốn hỗ trợ nông nghiệp của tỉnh như: Ðiện Biên, Mường Chà, Tuần Giáo, Mường Lay và TP. Ðiện Biên Phủ cần sớm nhận, kiểm tra, cấp phát vắc xin tới các xã, phường, thị trấn tiến hành tiêm phòng định kỳ mũi xuân hè cho đàn gia súc. Với các huyện: Mường Ảng, Mường Nhé, Ðiện Biên Ðông, Nậm Pồ, Tủa Chùa được nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ kinh phí mua vắc xin, hiện nay đang tiến hành tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng theo Chương trình 30a.

 

Nhờ chăm sóc, phòng bệnh tốt nên đàn gia súc của nông dân bản Mển, xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) phát triển khỏe mạnh.

Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phun phòng bệnh cho đàn gia súc đảm bảo mục tiêu, chất lượng, an toàn, hiệu quả, đúng tiến độ và kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, thị, thành phố phối hợp với trạm thú y, chính quyền cơ sở tăng cường tuyên truyền quy định về phòng chống dịch bệnh đến người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt gia súc gia cầm; hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Các lực lượng công an, quản lý thị trường, thú y tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn. Qua đó kịp thời phát hiện động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu vào địa bàn để xử lý theo quy định. Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát các dự án cung cấp con giống cho người dân đảm bảo an toàn dịch bệnh trước khi đưa vào chăn nuôi.

Một số xã vùng cao của huyện Tuần Giáo như: Tỏa Tình, Tênh Phông, Pú Xi có nền nhiệt thường thấp hơn từ 3 - 4oC so với khu vực trung tâm huyện. Trong đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2018, xã Tỏa Tình có 37 con trâu, bò chết rét. Do đó, các xã vùng cao luôn được huyện quan tâm bố trí kinh phí, cử cán bộ chuyên môn xuống cơ sở tập huấn cho đội ngũ trưởng bản, thú y viên về kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc khi trời rét và phòng chống dịch bệnh khi thời tiết giao mùa. Ðồng thời vận động người dân chủ động dự trữ nguồn thức ăn đầy đủ khi nhiệt độ xuống thấp, không thả rông gia súc.

Huyện Ðiện Biên là một trong những địa phương có tổng đàn gia súc lớn với gần 50.000 con. Ngay từ đầu năm 2018, lực lượng thú y cơ sở đã tiến hành phun hàng nghìn lít hóa chất tại các khu vực chuồng trại chăn nuôi, điểm nguy cơ cao như: các ổ dịch cũ, cơ sở giết mổ và các chợ trên địa bàn. UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp chính quyền xã tiến hành tiêm trên 5.000 liều vắc xin nhiệt thán; 30.000 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò; 58.000 liều vắc xin tụ huyết trùng lợn và 58.000 liều vắc xin dịch tả lợn. Ðồng thời, tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân, nhất là địa bàn các xã vùng ngoài, vùng cao như: Pá Khoang, Mường Phăng, Mường Nhà, Pa Thơm... hạn chế thả rông gia súc khi thời tiết chuyển mùa; đặc biệt vào sáng sớm khi nền nhiệt xuống thấp. Trong thời điểm giao mùa thời tiết nắng mưa thất thường, đội ngũ thú y cơ sở vận động, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm bằng các biện pháp: Tiêm đủ mũi vắc xin, phun phòng tiêu độc môi trường chăn nuôi; kịp thời thông báo với cơ quan thú y khi phát hiện gia súc, gia cầm bị ốm, chết bất thường. Nhờ làm tốt công tác phòng dịch, kiểm soát gia súc, gia cầm nên từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Ðiện Biên không xảy ra dịch bệnh lớn trong chăn nuôi.

Bài, ảnh: Thành Ðạt
Bình luận
Back To Top