Hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế cho người nghèo

08:52 - Thứ Sáu, 30/03/2018 Lượt xem: 10033 In bài viết
ĐBP - Hỗ trợ sản xuất được xác định là giải pháp quan trọng giúp các hộ nghèo, cận nghèo nâng cao thu nhập từ đó thoát nghèo bền vững. Chính vì vậy từ nguồn vốn của Chương trình 30a, Chương trình 135, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thời gian qua Ðiện Biên đã nỗ lực triển khai hàng nghìn mô hình phát triển sản xuất đem lại hiệu quả, tạo động lực giúp người nghèo vươn lên thoát đói giảm nghèo.

Quyết liệt thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tỉnh đã và đang tập trung hỗ trợ cho các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, biên giới; chú trọng triển khai thực hiện các mô hình phát triển sản xuất, tạo điều kiện và động lực để hộ nghèo, cận nghèo thay đổi tập quán sản xuất, từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó hàng nghìn hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương. Chỉ tính riêng năm 2017, toàn tỉnh đã giảm trên 3.500 hộ nghèo; nâng thu nhập lên hơn 24 triệu đồng/người/năm (tăng gần 10% so với năm 2016). Trong đó, hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người nghèo được tỉnh đặc biệt quan tâm. Năm 2017, từ nguồn vốn Chương trình 30a, Chương trình 135 các địa phương thuộc đối tượng thụ hưởng được phân bổ hơn 71 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ người nghèo con giống (trâu, bò, dê sinh sản); thực hiện các mô hình trồng trọt, trồng cây ăn quả, chăm sóc, bảo vệ rừng…

 

Người dân xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa) chăm sóc đàn trâu được hỗ trợ từ Chương trình 30a.

Tại xã Chiềng Sơ (huyện Ðiện Biên Ðông), thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo theo Chương trình 30a, trung tuần tháng 12/2017 có 4 hộ tại các bản: Pá Nậm A, B, bản Kéo và bản Kéo Ðứa được nhận bò sinh sản, sau thời gian chăm sóc vật nuôi khỏe mạnh, lớn nhanh. Ðến nay bò của 2 hộ đã có chửa.

Với mục đích tăng hiệu quả hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo phát triển sản xuất để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, quy định tạm thời về cơ chế tổ chức thực hiện nội dung, mức chi hỗ trợ dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo nguồn kinh phí sự nghiệp thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 759 ngày 29/8/2017. Trong đó, quy định từ điều kiện, nguyên tắc đến phương thức hỗ trợ cũng như mức chi hỗ trợ cho từng dự án. Cụ thể đối với dự án hỗ trợ thuộc lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp cho các hộ nghèo không quá 10 triệu đồng/hộ; hộ cận nghèo không quá 7 triệu đồng/hộ; hộ mới thoát nghèo không quá 5 triệu đồng/hộ. Ðối với dự án chăn nuôi được hỗ trợ giống, chuồng trại, thức ăn, vắc xin tiêm phòng, máy móc, công cụ sản xuất… Qua đó, sẽ giúp đối tượng được thụ hưởng chính sách hiểu rõ về bản chất, mục tiêu mà chính sách hướng đến để có động lực vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top