Quy trình VietGap mang lại lợi nhuận, an toàn cho nông dân và người tiêu dùng

08:56 - Thứ Hai, 02/04/2018 Lượt xem: 8517 In bài viết
ĐBP - Phát huy lợi thế đất đai màu mỡ, nông dân khu vực lòng chảo Ðiện Biên đã sản xuất nhiều vùng rau xanh chuyên canh với sản lượng hàng nghìn tấn/vụ. Trước đây, sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap chưa thực sự phổ biến; chủ yếu là mô hình trình diễn với quy mô nhỏ, từ vài trăm mét vuông đến 1ha. Tuy nhiên, trước nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nông dân các xã vùng lòng chảo từng bước áp dụng các biện pháp sản xuất rau an toàn theo chuỗi. Từ đó, mang lại giá trị kinh tế, an toàn cho chính mình và người tiêu dùng.

Ông Bùi Văn Dũng, đội 18, xã Noong Luống (huyện Ðiện Biên) chia sẻ: Mặc dù trồng rau đã nhiều năm, nhưng đến bây giờ chúng tôi mới biết trồng rau cũng cần sổ sách ghi chép tỉ mỉ để theo dõi sát sao quá trình sinh trưởng, cũng như thời gian để bón phân và lượng phân bón, dùng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đúng cách. Khi xuất hiện bệnh trên rau màu, chúng tôi thực hiện theo kiến thức đã được tập huấn, hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV. Thực hiện theo đúng quy trình đã giảm số lần phun so với trước đây, giảm được chi phí và an toàn hơn. Ðồng thời chỉ dùng thuốc BVTV trong danh mục được phép sử dụng cho từng loại rau, quả; sử dụng nhóm thuốc sinh học đảm bảo thời gian cách ly theo quy định.

 

Nông dân đội 18, xã Noong Luống chăm sóc vườn rau an toàn theo hướng VietGap.

Bà Phạm Thị Châm, một hộ trồng cà chua ở đội 18, xã Noong Luống cho biết: Thực hiện đúng quy trình, năng suất tăng từ 10 - 20%; 1ha chuyên canh cà chua, thu về 120 triệu đồng, thu nhập cao hơn so với sản xuất truyền thống từ 8 - 20 triệu đồng/ha.

Hiện nay, tại các vùng chuyên canh rau xanh, như: Noong Luống, Thanh Xương, Thanh Hưng đã có hàng chục hộ sản xuất rau an toàn theo hướng Gap cơ bản, với diện tích trên 30ha. Khi sản xuất, nông dân không sử dụng thuốc trừ cỏ, phải thực hiện quy trình làm cỏ bằng tay; gom vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng bỏ đúng nơi quy định. Do đó, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm trên rau, hạn chế việc tiếp xúc hóa chất của người dân, hạn chế ô nhiễm không khí. Mỗi hécta rau xanh sản xuất theo hướng an toàn, có lãi từ 3 - 20 triệu đồng so với sản xuất theo lối truyền thống. Chẳng hạn 1ha mướp đắng lãi 9 triệu đồng; đỗ leo lãi 11 triệu đồng; cà chua lãi 20 triệu đồng; cải thảo lãi 5 triệu đồng...

Sản xuất rau an toàn bước đầu đã thay đổi nhận thức của người trồng rau, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo niềm tin rau an toàn đối với người tiêu dùng. Bên cạnh đó còn thúc đẩy vai trò, sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương bằng biện pháp quy hoạch lại vùng sản xuất rau trên địa bàn xã. Ðiển hình như xã Noong Luống, năm 2017 đã thành lập được 1 tổ hợp tác và 1 hợp tác xã chuyên sản xuất rau an toàn. Từ đó việc hỗ trợ người dân phát triển rau an toàn tập trung, thuận lợi hơn đồng thời ký kết với các đơn vị tiêu thụ, thúc đẩy thị trường về sản xuất an toàn theo chuỗi.

Sản xuất rau an toàn hướng người dân sử dụng phương pháp thủ công truyền thống như: Làm đất, bón phân, vệ sinh đồng ruộng, thu hái, bảo quản tự nhiên không dùng hóa chất. Tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên để bố trí xen canh cơ cấu cây rau và mùa vụ hợp lý. Bên cạnh đó, kết hợp áp dụng phương pháp kỹ thuật thâm canh tiên tiến phù hợp với yêu cầu sản xuất rau an toàn, sử dụng giống lai F1, kháng bệnh, ngắn ngày, cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt. Sử dụng phân bón, thuốc BVTV đúng chủng loại, liều lượng, thời gian bón và cách bón theo quy trình trồng rau an toàn. Bảo đảm sản phẩm đưa ra thị trường là sản phẩm an toàn có thể truy xuất được nguồn gốc xuất xứ và có sổ ghi chép đồng ruộng đầy đủ. Trong năm 2017, Chi cục BVTV tỉnh đã tổ chức 27 lớp tập huấn mở rộng cho 810 lượt hộ trồng rau và 3 lớp tập huấn gắn với mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng Gap cơ bản cho 71 hộ nông dân. Nội dung tập huấn kỹ thuật được lồng ghép giữa lý thuyết và thực hành thông qua mô hình sản xuất cụ thể. Các cơ quan chức năng cũng tổ chức cho người trồng rau đi tham quan, học tập tại khu nông nghiệp công nghệ cao, với mô hình trồng rau an toàn, tưới phun mưa, sản xuất, tiêu thụ rau khép kín tại huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La).

Bài, ảnh: Thành Ðạt
Bình luận
Back To Top