Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Tuần Giáo

09:03 - Thứ Hai, 02/04/2018 Lượt xem: 9285 In bài viết
ĐBP - Bà Phạm Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo, cho biết: Ngay từ khi triển khai Ðề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới đến năm 2020” các cơ quan chức năng đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tập trung phát triển sản xuất theo hướng nâng cao hiệu quả bền vững, đảm bảo môi trường an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, huyện khuyến khích đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế từng vùng.

Sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực không ngừng tăng lên. Năm 2017, diện tích gieo trồng cây lương thực đạt 13.017ha, tăng 636,7ha so với năm 2015; sản lượng đạt 36.630,5 tấn, tăng 1.147 tấn so với năm 2015. Bên cạnh đó, huyện cũng chuyển dần diện tích lúa nước 1 vụ, lúa nương kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, như: Mía, dứa, đậu xanh... Xác định chăn nuôi là ngành quan trọng, huyện duy trì tốc độ tăng đàn bình quân giai đoạn 2015 - 2017 đạt trên 4%. Ðến nay, huyện có trên 62.000 con lợn; trên 21.000 con trâu; trên 8.000 con bò.

 

Mô hình nuôi cá hồi, cá tầm tại xã Tênh Phông của Công ty TNHH Sơn Hạnh cho hiệu quả kinh tế cao.

Trong tái cơ cấu theo vùng và phương thức chăn nuôi, vùng thấp bước đầu chuyển đổi dần từ chăn nuôi hộ gia đình sang chăn nuôi trang trại và bán công nghiệp. Ðiển hình như trang trại của gia đình ông Doanh tại xã Rạng Ðông hàng năm cung cấp ra thị trường trên 2.000 con lợn; Dự án Chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt tại xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo do Công ty Cổ phần Chăn nuôi Uva thực hiện với quy mô đến năm 2020 đạt 100.000 con bò. Khi dự án hoàn thành sẽ cung cấp các sản phẩm thịt bò và nguồn bò giống chất lượng cao cho thị trường trong và ngoài tỉnh, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Huyện cũng khuyến khích phát triển nuôi cá nước lạnh. Ðiển hình như mô hình nuôi cá hồi, cá tầm tại xã Tênh Phông do Công ty TNHH Sơn Hạnh đầu tư từ năm 2016 với 12 bể, tổng diện tích mặt nước khoảng 700m2 đã mang lại hiệu quả cao. Mỗi năm, đơn vị cung ứng ra thị trường khoảng 100 tấn cá thương phẩm, trừ chi phí thu lãi từ 2 - 2,5 tỷ đồng.

Riêng trong lĩnh vực lâm nghiệp, nhận thức của người dân đối với việc bảo vệ và phát triển rừng từng bước được nâng lên; tình trạng đốt, phá rừng làm nương giảm. Từ năm 2015 đến nay, toàn huyện trồng mới hơn 300ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 34,5%. Các mô hình sản xuất, như: Trồng cây dược liệu dưới tán rừng (thảo quả, sa nhân); trồng cây sơn tra... đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tại các xã Tỏa Tình, Phình Sáng, Rạng Ðông, Ta Ma có khoảng 160ha sa nhân, thảo quả; gần 200ha sơn tra. Huyện cũng tăng cường công tác quản lý Nhà nước về chất lượng giống, vật tư nông nghiệp; cơ giới hóa, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xây dựng nông thôn mới. Ðến nay, toàn huyện có 17/19 xã có đường nhựa hoặc bê tông đến trung tâm xã; 5 xã đạt 10 tiêu chí nông thôn mới trở lên. Mỗi năm huyện phấn đấu đạt từ 1 - 2 tiêu chí/ xã.

Vừa qua, tại hội nghị sơ kết Ðề án UBND tỉnh và các ngành liên quan đánh giá cao kết quả mà huyện Tuần Giáo đạt được. Ðiều này cho thấy việc triển khai Ðề án của huyện đã đi đúng hướng và còn có thể đạt nhiều kết quả tốt hơn nữa trong thời gian tiếp theo.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top