Nối gần những thôn, bản vùng cao

09:08 - Thứ Tư, 04/04/2018 Lượt xem: 8703 In bài viết
ĐBP - Nậm Pồ là huyện vùng cao, biên giới còn nhiều thôn, bản đang bị ngăn cách với khu vực trung tâm bởi hạ tầng giao thông chưa phát triển. Những năm qua, để nối gần những thôn, bản vùng cao trên địa bàn huyện, Trung ương và tỉnh đã ưu tiên nguồn vốn, triển khai xây dựng nhiều cầu treo qua suối. Những cây cầu dân sinh hoàn thành và đưa vào sử dụng không chỉ giúp đảm bảo an toàn giao thông nông thôn, mà còn tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thực hiện Dự án Ðầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (gọi tắt là Dự án LRAMP) của Bộ Giao thông - Vận tải, năm 2017, huyện Nậm Pồ được xây dựng mới 4 cầu treo và 1 cống hộp qua suối thuộc địa bàn các xã: Nậm Tin, Na Cô Sa, Chà Nưa và Nậm Chua. Ðến nay, những công trình này cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng trong niềm phấn khởi của cán bộ và người dân trên địa bàn.

 

Cầu treo dân sinh qua suối Phiêng Ngúa, xã Nậm Chua hoàn thành, đưa vào sử dụng tạo thuận lợi cho người dân.

Không phải ngẫu nhiên, xã Nậm Chua được ưu tiên xây dựng 2/4 cầu của cả huyện. Nậm Chua là xã được thành lập trên cơ sở chia tách từ xã Nà Hỳ, là xã nghèo khó nhất huyện Nậm Pồ với tỷ lệ hộ nghèo trên 90%. Khi mới thành lập (năm 2013) từ trung tâm xã chưa có đường đến trung tâm huyện, mà phải đi vòng qua xã Nà Hỳ. Ðến năm 2014, UBND huyện Nậm Pồ mở đường vào xã Nậm Chua nhưng người dân chỉ đi lại được vào mùa khô; mùa mưa, tuyến đường bị ngăn cách bởi con suối Phiêng Ngúa. Năm 2017, Dự án LRAMP đầu tư xây dựng cầu treo qua suối Phiêng Ngúa. Sau hơn 1 năm thi công, cây cầu đã hoàn thành, đưa vào sử dụng giúp người dân đi lại thuận tiện 4 mùa. Ông Mùa A Chu, người dân bản Nậm Chua 4 cho biết: Trước đây, dân bản cùng nhau góp tre, gỗ để làm cầu tạm qua suối Phiêng Ngúa nhưng chỉ mưa to 1 trận, nước suối dâng lên là cây cầu bị cuốn trôi, bà con lại phải đi vòng qua Nà Hỳ để đến trung tâm huyện. Cầu treo Phiêng Ngúa hoàn thành giúp người dân ra trung tâm huyện thuận tiện và gần hơn trước 3km. Giao thông thuận lợi, thương lái có thể vào tận bản để thu mua nông sản, người dân yên tâm phát triển sản xuất, từng bước xóa đói giảm nghèo.

Ngoài Dự án LRAMP, trong những năm qua, từ nguồn vốn các chương trình, dự án và nguồn hỗ trợ từ Trung ương, huyện Nậm Pồ được đầu tư xây dựng 7 cầu treo dân sinh, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Trong đó có cầu treo Sam Lang, xã Nà Hỳ dài hơn 100m được Bộ Giao thông - Vận tải hỗ trợ kinh phí xây dựng. Ðây là cầu treo được xây dựng theo công nghệ mới nhất Việt Nam: khung thép, dầm thép, ván thép, là loại cầu treo bán vĩnh cửu có thời gian sử dụng trên 25 năm. Ông Giàng A Khoa, Trưởng bản Sam Lang cho biết: Cuộc sống của người dân Sam Lang thay đổi nhờ có cầu treo. Khi có cây cầu, việc đưa điện lưới về bản cũng dễ dàng hơn. Ðến nay, bản Sam Lang đã có đường rộng 3m từ trung tâm xã vào đến tận bản, 100% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia. Giờ đây, bản Sam Lang không còn là bản vùng sâu, vùng xa bởi cầu treo Sam Lang đã nối gần bản Sam Lang với trung tâm xã Nà Hỳ, trung tâm huyện, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với kiến thức văn hóa, khoa học kỹ thuật, từ đó xóa bỏ những hủ tục để xây dựng cuộc sống mới tươi đẹp, ấm no hơn. 4 năm gần đây, học sinh bản Sam Lang không phải nghỉ học mùa mưa, dân bản có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Theo ông Chu A Sử, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nậm Pồ: Với điều kiện địa hình đồi núi, bị chia cắt bởi sông, suối ngăn cách nhiều thôn, bản với các khu vực trung tâm xã thì xây dựng cầu treo dân sinh là phương án tối ưu, vừa hiệu quả vừa tốn ít kinh phí. Những năm qua, song song với việc nâng cấp, sửa chữa lại hệ thống cầu treo sẵn có, huyện Nậm Pồ đã triển khai đầu tư có hiệu quả các dự án xây dựng mới cầu treo dân sinh trên địa bàn. Cầu treo dân sinh không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để các cấp chính quyền có thể triển khai hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật - kinh tế, nâng cao đời sống người dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng. Thời gian tới, huyện Nậm Pồ sẽ tiếp tục rà soát, khảo sát những vị trí cần xây dựng cầu treo dân sinh để kiến nghị với tỉnh, các bộ, ngành Trung ương ưu tiên nguồn vốn đầu tư các dự án cầu treo, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top