Nậm Pồ, trên hành trình đi tới ấm no

09:13 - Thứ Năm, 05/04/2018 Lượt xem: 8464 In bài viết
ĐBP - Chưa đầy 3 tháng nữa một sự kiện trọng đại sẽ diễn ra trên địa bàn huyện Nậm Pồ, đó là lễ kỷ niệm 5 năm ngày thành lập huyện (23/6/2013 - 23/6/2018). Giờ là lúc hơn 52.500 cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc huyện nhà đang cố gắng hết mình trong công tác, lao động và học tập, góp phần đưa vùng đất miền biên viễn phát triển nhanh hơn và bền vững hơn...

Trong câu chuyện với chúng tôi, dường như chính ông Nguyễn Văn Thái - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ - cũng không giấu nổi niềm vui trước những thành tựu mà Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc đã làm nên trong kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Nậm Pồ giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

 

Nhờ sự quan tâm của Chính phủ, đường vào Nậm Pồ được đầu tư nâng cấp, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển.

Ðể “lý giải” sâu hơn về những biện pháp phát triển kinh tế trong huyện, chủ tịch Nguyễn Văn Thái cho biết: Xuất phát từ những nét đặc thù trên địa bàn, Huyện ủy và UBND huyện chủ trương để khai thông, đẩy mạnh việc giao thương, trao đổi hàng hóa, huyện luôn chú trọng đảm bảo giao thông kết nối với huyện Mường Chà, Mường Nhé và cửa khẩu A Pa Chải qua quốc lộ 4H, với thị xã Mường Lay qua đường Chà Tở - Mường Tùng và với bạn Lào qua cửa khẩu phụ Si Pa Phìn - Huổi Lả. Ðồng thời huyện Nậm Pồ đã mở đường Huổi Văng - Huổi Noỏng để thông thương với huyện Nậm Nhùn qua tuyến đường thủy Nậm Khăn - Nậm Nhùn, đảm bảo giao thông và gia tăng hoạt động thông thương, giao lưu, giao ban với bạn Lào qua các lối mở tại Mốc 65 (xã Chà Nưa) và Mốc 49 (xã Nà Bủng). Trên địa bàn huyện, một số điểm tập trung giao thương hàng hóa đã được huyện đầu tư thành điểm chợ như: Chợ Vàng Lếch, chợ Chà Cang, chợ Nà Hỳ, chợ Phìn Hồ và chợ (tạm) trung tâm huyện. Qua theo dõi của Phòng Công thương, cho thấy các điểm chợ không những đã tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản của nông dân, mà còn tạo điều kiện bố trí dân cư thành “đô thị nông thôn” quanh các khu chợ.

Rút kinh nghiệm từ các huyện bạn khi mới hình thành, trong công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch, huyện Nậm Pồ chú trọng tầm nhìn xa trong nhiều năm. Theo ông Chu Văn Sử - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện - thì quy hoạch đô thị huyện, xã phải tính toán khả năng phát triển trong vài chục năm tới, sớm xử lý những dấu hiệu bất ổn có thể gây phức tạp cho những năm sau. Từ một huyện có điểm xuất phát thấp về kinh tế, xã hội lại phức tạp về an ninh trật tự, huyện đã khẩn trương hoàn thành Ðề án giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, Quy hoạch xây dựng nông thôn mới các xã mới chia tách, Quy hoạch xây dựng đô thị trung tâm huyện, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015-2025, tầm nhìn đến năm 2030 xác định những tiềm năng lợi thế chính của huyện là đất đai rộng, diện tích rừng tự nhiên lớn, vị trí thuận lợi giao thương với các địa phương trong tỉnh, trong nước cũng như với các tỉnh vùng bắc Lào, đồng bào các dân tộc ở đây có bản sắc văn hóa và truyền thống cách mạng đậm nét. Trên cơ sở đó định hướng được lộ trình phát triển một cách hợp lý và theo quy luật để phát huy hiệu quả của các nguồn lực; lường trước được những hệ lụy, mặt trái có thể phát sinh trong quá trình phát triển; bố trí nguồn lực, quản lý nguồn lực và phát huy giá trị của các nguồn lực sao cho phù hợp, thiết thực và hiệu quả, tạo đà cho sự phát triển nhanh và bền vững của địa phương.

Nằm trong tốp những người có mặt ở Nậm Pồ từ khi huyện mới thành lập, ông Chẻo A Xoang - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch HÐND huyện - nhấn mạnh cách thức để Nậm Pồ phát triển và từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thông tin từ ông Chẻo A Xoang, cho biết: Huyện chú trọng và tạo điều kiện cho con em trên địa bàn sau khi tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp, được nhận vào làm việc trong các cơ quan xã và huyện; mặt khác, giới thiệu với các tổ chức, doanh nghiệp để người lao động tìm việc làm phù hợp. Với phương châm “tạo nguồn tại chỗ”, chọn những người địa phương nào có triển vọng cho đi đào tạo, bồi dưỡng, thử thách luân chuyển tạo nguồn cán bộ người địa phương lâu dài; sắp xếp cán bộ xã, phòng ban phù hợp tiêu chuẩn, năng lực và cơ cấu, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ công chức, viên chức học tập nâng cao trình độ. Thay thế những cán bộ năng lực không phù hợp vào vị trí phù hợp hơn. Tư duy trên đây được thực hiện minh bạch, rõ ràng nên nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của cán bộ và quần chúng; đảm bảo sự ổn định và phát triển lành mạnh của đội ngũ cán bộ huyện, xã, không để dư luận xì xèo về chạy chức, chạy việc.

Trước những khó khăn đặc thù về an sinh xã hội, trình độ sản xuất của một bộ phận không nhỏ nông dân còn lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo cao... UBND huyện đã đánh giá cụ thể tiềm năng về đất đai và rừng, xác định mô hình kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực trên cơ sở phát triển mạnh về chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển ruộng bậc thang trồng lúa nước, từng bước giảm diện tích lúa nương. Từ hiệu quả thu được về kinh tế, dẫn tới tư duy về cách vận động quần chúng cũng thay đổi rõ nét và rất căn bản. Các nội dung tuyên truyền, vận động ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu với hình thức phong phú gắn với đời sống, sản xuất của nhân dân và nhân dân tự đặt vấn đề, tự bàn bạc đưa ra kiến nghị đề xuất. Hàng năm tổ chức tốt các cuộc đối thoại giữa chính quyền với nhân dân, tổ chức tiếp công dân, đối thoại với công dân ngay tại cơ sở. Lịch lãnh đạo huyện tiếp công dân được đăng công khai trên trang Website của huyện để mọi người cùng biết. Nhờ đó, cấp ủy, chính quyền các xã gắn bó và có mối liên hệ mật thiết với nhân dân, coi nhân dân là chỗ dựa tin cậy và vững chắc. Ðể tạo không khí yên vui nơi các làng bản, huyện chủ trương các điểm vui chơi tập trung trong các dịp lễ tết của nhân dân được quy hoạch và đầu tư như ở các xã: Phìn Hồ, Vàng Ðán, Chà Cang, Pa Tần, Nà Hỳ, Chà Tở, Si Pa Phìn, Na Cô Sa... Cùng với phong trào văn hóa - văn nghệ, hoạt động thể dục - thể thao cũng được khơi dậy ở tất cả các xã. Ðến nay thật mừng là 100% số xã có Trạm y tế khang trang, đủ điều kiện phục vụ nhân dân, tăng 53% so với ngày đầu thành lập huyện.

Từ thực tế công tác, ông Nguyễn Văn Thái - Chủ tịch UBND huyện - cũng thẳng thắn thừa nhận có hiện tượng một vài cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ hàng năm chưa thật sự quyết liệt. Việc chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư một số dự án tuy có cố gắng nhưng vì nhiều lý do dẫn tới tiến độ thực hiện chậm. Một số nơi việc áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất còn hạn chế, dẫn tới thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Hoạt động di cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật, tình hình buôn bán sử dụng ma túy, vượt biên trái phép diễn biến phức tạp; ý thức vươn lên thoát nghèo của nhân dân chưa thật sự mạnh mẽ, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước... Trên hành trình đi tới ấm no, những tồn tại đó được xem là những “rào cản” đòi hỏi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện nỗ lực nhiều hơn nữa để khắc phục và vượt qua...

Thu Loan
Bình luận
Back To Top