Khẩn trương phòng, trừ bệnh đạo ôn lá trên lúa đông xuân

08:42 - Thứ Sáu, 06/04/2018 Lượt xem: 9980 In bài viết
ĐBP - Khoảng 3 tuần gần đây, các trà lúa đông xuân trên địa bàn huyện Ðiện Biên xuất hiện nhiều loại bệnh và sinh vật gây hại, nhất là bệnh đạo ôn lá. Nếu bệnh đạo ôn lá phát triển mạnh, bùng phát trên diện rộng có nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa. Do đó, các cơ quan chuyên môn: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Ðiện Biên và chính quyền các xã tích cực khuyến cáo, hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp diệt trừ bệnh đạo ôn lá trước khi cây lúa chuyển sang giai đoạn đứng cái làm đòng.


Cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Ðiện Biên hướng dẫn người dân xã Thanh Xương cách phòng, trừ bệnh đạo ôn lá trên lúa đông xuân.

Hiện nay, các trà lúa trên địa bàn huyện Ðiện Biên trong giai đoạn cuối đẻ nhánh - làm đòng. Khoảng 1 tháng gần đây, thời tiết sáng sớm nhiều sương mù, ngày nắng nóng, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn là điều kiện thuận lợi để bệnh đạo ôn lá phát triển nhanh, gây hại lúa đông xuân. Theo tổng hợp của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Ðiện Biên, đến ngày 3/4, toàn huyện có 490ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá. Ông Ðỗ Mạnh Dũng, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Ðiện Biên cho biết: Ðầu tháng 3, bệnh đạo ôn lá xuất hiện với một số điểm nhỏ lẻ song chỉ sau 2 tuần bệnh bùng phát, gây hại gần 500ha lúa. Nguyên nhân một phần do điều kiện thời tiết thuận lợi để bệnh phát triển, phần khác là do kỹ thuật canh tác của người dân chưa đúng. Ðầu vụ đông xuân thời tiết rét đậm, rét hại nên cây lúa chững lại một thời gian, theo thói quen người dân bón phân thúc cho cây lúa phát triển. Nhưng các loại phân tổng hợp bà con sử dụng có chứa hàm lượng đạm lớn, là điều kiện cho bệnh có sẵn trong đồng ruộng phát triển. Bên cạnh đó, khi phát hiện ra bệnh đạo ôn lá, người dân triển khai phun trừ bệnh song quy trình phun thuốc chưa tuân thủ quy tắc “4 đúng”. Cụ thể, phun thuốc trừ bệnh đạo ôn lá theo chuẩn có tỷ lệ 3 bình thuốc/1.000m2 lúa nhưng người dân phun ít hơn so với tiêu chuẩn. Hoặc là phun hỗn hợp 2 loại thuốc thì phải hòa 2 loại thuốc vào nước riêng biệt sau đó mới trộn nước đã pha thuốc vào nhau song người dân thường hòa cùng lúc 2 loại thuốc vào một bình dẫn đến giảm tác dụng của thuốc, hiệu quả phun trừ bệnh không cao. Sau khi các trà lúa chớm bị bệnh, Trạm đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư kiểm tra, rà soát tại 100% các xã, phát hiện ra những hạn chế trong kỹ thuật canh tác của người dân. Hiện nay, Trạm đã tham mưu UBND huyện ra công văn chỉ đạo các xã triển khai phun trừ bệnh đạo ôn lá; đồng thời chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn trực tiếp xuống đồng để hướng dẫn người dân cách trừ bệnh, trong đó chú trọng phương pháp canh tác đúng quy trình kỹ thuật.

Thời điểm xế chiều, khắp cánh đồng thuộc các xã: Thanh Xương, Thanh Luông, Thanh An, Pom Lót, Thanh Nưa người dân ra thăm đồng, phun thuốc trừ bệnh đạo ôn lá cho lúa đông xuân. Ông Nguyễn Văn Tâm, đội 1, xã Pom Lót cho biết: Vụ đông xuân năm nay, gia đình tôi gieo cấy 3.500m2 lúa. Bệnh đạo ôn lá xuất hiện từ tuần trước nhưng đến nay đã lan ra 50% diện tích, chủ yếu trên giống lúa Bắc thơm số 7 và Séng cù. Hiện nay, tôi đã mua thuốc phun trừ bệnh và dừng không bón thúc phân lân tổng hợp để hạn chế khả năng phát triển của bệnh. Kinh nghiệm cho thấy, bệnh đạo ôn lá nếu không diệt trừ dứt điểm thì đến khi cây lúa chuyển sang giai đoạn làm đòng rất dễ bị bệnh đạo ôn cổ bông, ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa.

Khác với bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh đạo ôn lá có thể xử lý hiệu quả bằng thuốc bảo vệ thực vật và điều chỉnh kỹ thuật canh tác. Theo khuyến cáo của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Ðiện Biên, người dân cần thăm đồng thường xuyên, phát hiện bệnh sớm để kịp thời triển khai các biện pháp phòng trừ. Ðối với những diện tích đã nhiễm bện đạo ôn lá, người dân phải dừng ngay việc bón thúc bằng phân lân tổng hợp; giữ mực nước trong ruộng từ 3 - 5cm và dùng các loại thuốc đặc hiệu để phun trừ theo quy tắc “4 đúng”. Tiến hành vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại trên bờ để hạn chế nguồn bệnh lây lan. Ðối với những diện tích trà sớm, lúa chuẩn bị làm đòng, người dân cần chủ động phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông trước thời điểm lúa trỗ 5 - 7 ngày và sau 7 - 10 ngày phun lại lần 2. Ngoài ra, giai đoạn khi lúa làm đòng đến chính sữa, chín sáp, bệnh khô vằn thường xuất hiện và gây hại trên những chân ruộng gieo dày, bón thừa đạm, bón đạm muộn. Vì vậy, nông dân cần lưu ý theo dõi diễn biến dịch bệnh để chủ động phòng trừ hiệu quả.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top