Nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp

09:15 - Thứ Sáu, 06/04/2018 Lượt xem: 9224 In bài viết
ĐBP - Với tỉnh thuần nông như Ðiện Biên thì việc nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có kiến thức áp dụng trên đồng ruộng để mang lại hiệu quả kinh tế là việc làm vô cùng cần thiết. Năm 2018, toàn tỉnh đặt mục tiêu đào tạo nghề cho khoảng 5.880 lao động nông thôn và trong số đó 80% có việc làm, thu nhập ổn định. Ðể hoàn thành mục tiêu này, vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo gắn với giải quyết việc làm được xem là giải pháp hữu hiệu, thiết thực nhất.


Chăn nuôi gia súc là hướng phát triển kinh tế cho không ít hộ dân vùng lòng chảo Ðiện Biên sau khi học nghề nông nghiệp.

Cuối tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 224 về Kế hoạch thực hiện “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu đặt ra là nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm tăng thu nhập cho lao động nông thôn (LÐNT). Chú trọng đào tạo nghề nông nghiệp cho một bộ phận LÐNT để thực hành sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại; góp phần nâng cao chất lượng lao động, thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Trong đó, ưu tiên đào tạo nghề cho lao động thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, ngư dân.

Trong số các ngành nghề nông nghiệp, tỉnh ưu tiên đào tạo các nghề phục vụ phát triển các loại cây trồng, vật nuôi thế mạnh trên địa bàn; gắn đào tạo nghề với quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp, các chương trình, dự án phát triển sản xuất gắn với Ðề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các ngành nghề về kỹ thuật, công nghệ ứng dụng và quản lý sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nghề rừng, nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản, chế biến nông - lâm - thủy sản; đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động làm việc ở các doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại, hợp tác xã nông nghiệp, ngành nghề, làng nghề nông nghiệp được chú trọng thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất của nông dân, giải quyết việc làm cho người lao động. Xác định rõ mục tiêu, đối tượng cũng như nhóm ngành nghề đào tạo, trọng tâm là đào tạo nghề theo đặt hàng của doanh nghiệp, ưu tiên các doanh nghiệp nông nghiệp tham gia trực tiếp quá trình đào tạo và cam kết việc làm đối với người học sau đào tạo. Ðây được xem là hướng đi đúng mang lại hiệu quả thiết thực và được gắn với khâu giải quyết việc làm sau đào tạo.

Dự án Phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh do 2 doanh nghiệp đầu tư theo hình thức đại điền là Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên và Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé - Ðiện Biên hiện có nhu cầu đào tạo nghề cạo mủ cao su cho gần 400 lao động trong vùng dự án. Ðể đáp ứng nguồn lao động năm 2018, khi đưa vào khai thác mủ hơn 1.500ha cao su, các công ty đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền chính sách học nghề cũng như cơ hội việc làm, thu nhập sau khi đăng ký học nghề cạo mủ cao su. Ðây cũng là hướng mở trong việc thu hút lao động nông thôn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Ông Nguyễn Công Tám, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé - Ðiện Biên cho biết: Trong năm 2018, Công ty cần khoảng 140 lao động nghề kỹ thuật cạo mủ cao su để đáp ứng tiến độ, yêu cầu sản xuất. Công ty phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Nhé tuyên truyền, vận động người dân học nghề cạo mủ cao su và cam kết sẽ nhận số học viên có trình độ, tay nghề vào làm việc tại vùng dự án với mức lương khởi điểm khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Song song với việc nâng cao chất lượng đào tạo, các ngành, các cấp cần đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động, tuyên truyền để người dân hiểu, tích cực đăng ký tham gia học nghề. Nhân rộng mô hình liên kết với doanh nghiệp đào tạo theo “địa chỉ” để tăng cơ hội tìm việc cho lao động, thường xuyên cập nhật thông tin về biến động nhu cầu của thị trường lao động, nhu cầu của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để xây dựng kế hoạch dạy nghề phù hợp, góp phần giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top