Nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng nông lâm thủy sản

09:01 - Thứ Hai, 09/04/2018 Lượt xem: 9343 In bài viết
ĐBP - Những năm qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản (NLTS) trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm; ý thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh từng bước được nâng lên; đã hình thành các mô hình chuỗi sản xuất, cung ứng an toàn... Song để trở thành nề nếp, hiệu quả thì còn nhiều việc phải giải quyết, khắc phục khi vi phạm quy định về ATTP ngày càng phức tạp, tinh vi.

Chuyển biến bước đầu

Dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Chi cục Quản lý chất lượng NLTS đã thực hiện kiểm tra ATTP đối với 75 cơ sở kinh doanh sản phẩm NLTS. Qua kiểm tra, cơ bản các cơ sở đáp ứng điều kiện về: địa điểm sản xuất kinh doanh, xuất xứ hàng hóa rõ ràng, được tập huấn, xác nhận kiến thức ATTP, ký cam kết đảm bảo ATTP. Chỉ có 2 cơ sở không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP. Ðây là bước chuyển biến rõ rệt so với năm trước bởi kiểm tra dịp Tết Nguyên đán Ðinh Dậu và lễ hội xuân 2017, trong số 80 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh NLTS chỉ có 61 cơ sở cơ bản đáp ứng các điều kiện về ATTP, còn 19 cơ sở chưa đạt.

 

Cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản thực hiện test nhanh mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản tại điểm giám sát chợ Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ). Ảnh: Phạm Trung

Ðể đảm bảo chất lượng sản phẩm rau, thịt an toàn, Chi cục Quản lý chất lượng NLTS đã rà soát các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh để đưa vào danh sách quản lý, kiểm tra và đánh giá xếp loại định kỳ. Trong năm 2017, Chi cục đã kiểm tra, đánh giá, phân loại 632 cơ sở, trong đó: 85 cơ sở xếp loại A, 540 cơ sở loại B, 7 cơ sở loại C. Chi cục cũng thường xuyên lấy mẫu tại cơ sở để test nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nitrat, urê, hàn the, foocmon, salbutamol. Ngoài việc lấy mẫu kiểm tra tại tất cả các chợ trên địa bàn, Chi cục đã thành lập điểm giám sát tại chợ Mường Thanh, thường xuyên lấy mẫu test nhanh đối với các sản phẩm NLTS. 3 tháng đầu năm 2018, tại điểm giám sát đã thực hiện lấy 202 mẫu rau, củ, quả, hải sản, thịt, giò chả, bánh đúc để test nhanh. Kết quả phát hiện 6 mẫu tỏi dương tính với thuốc bảo vệ thực vật. Chi cục đã yêu cầu cơ sở kinh doanh hủy sản phẩm và tiến hành truy xuất nguồn gốc của sản phẩm tỏi này.

Ông Phạm Ðình Lai, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng NLTS cho biết: Ban đầu, khi lấy mẫu test nhanh tại chợ, nhiều người né tránh, thậm chí phản ứng, bất hợp tác. Tuy nhiên qua một thời gian cán bộ Chi cục vừa thực hiện nhiệm vụ, vừa kiên trì vận động, giải thích đến nay cơ bản chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh, người buôn bán đều sẵn sàng hợp tác. Ý thức trách nhiệm không chỉ của người bán mà cả người mua cũng được nâng cao trong việc đảm bảo ATTP NLTS.

Ðến nay, Chi cục Quản lý chất lượng NLTS đã hỗ trợ xây dựng và cấp giấy xác nhận cho 11 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh (1 chuỗi đã dừng hoạt động), gồm: thịt bò khô; bánh khẩu xén, quả óc chó; sản phẩm cá tầm, cá hồi; rau củ quả an toàn; gạo; dứa... Tiêu biểu là chuỗi cung ứng dứa an toàn của Hợp tác xã Na Sang (huyện Mường Chà) - một trong những chuỗi cung ứng hiệu quả nhất. Năm 2016, dứa Mường Chà không bán được khi có thông tin dứa được phun bằng hóa chất nước ngoài không rõ nguồn gốc. Chi cục Quản lý chất lượng NLTS đã thực hiện xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm dứa an toàn: Tổ chức tập huấn kiến thức ATTP, hướng dẫn quy trình sản xuất, sử dụng vật tư, hóa chất... Sau đó lấy mẫu kiểm tra, phân tích, giám sát chỉ tiêu ATTP, dán tem chứng nhận sản phẩm theo chuỗi an toàn, giới thiệu, quảng bá... Ðặc biệt là việc Chi cục đã giới thiệu người trồng dứa sử dụng chất điều hòa tăng trưởng thực vật Ethephon thay thế cho hóa chất nước ngoài không rõ nguồn gốc người dân tự mua. Ðến nay, sản phẩm dứa Mường Chà đã “hồi sinh”, thậm chí nhiều thời điểm cung không kịp cầu.

Nhiều khó khan cần khắc phục

Hiện nay, vì lợi nhuận trước mắt hoặc do thiếu hiểu biết mà vẫn còn trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách, không đúng đối tượng. Nhận thức, trách nhiệm của một số chính quyền cơ sở chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác quản lý chất lượng ATTP.

Theo ông Phạm Ðình Lai, thì một trong những khó khăn hiện nay là đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh là các cơ sở nhỏ lẻ, khó cho công tác kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc. Hệ thống quản lý chất lượng NLTS tại cấp huyện, xã lại chưa có nên việc quản lý Nhà nước về ATTP còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị phân tích, kiểm nghiệm chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hiện nay, cần thiết phải có thiết bị hiện đại kiểm tra nhanh, cơ động tại hiện trường để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm. Bởi vì với các mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu ATTP được gửi về đơn vị kiểm nghiệm theo chỉ định phải mất thời gian từ 7 - 10 ngày mới có kết quả. Trong khi lực lượng chức năng không được niêm phong, thu giữ hoặc cấm lưu hành sản phẩm nếu chưa có kết luận. Nhưng khi có kết luận kiểm nghiệm thì hầu như sản phẩm đã được tiêu thụ hết.

Ngoài ra, theo quy định, có 3 ngành Y tế, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Công Thương cùng tham gia quản lý lĩnh vực vệ sinh ATTP. Thế nhưng thực tế lại nảy sinh những vấn đề ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý. Ðơn cử, cùng một sản phẩm NLTS, nhưng đơn vị Quản lý chất lượng NLTS (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chỉ kiểm tra, giám sát được quá trình sản xuất, thu hoạch còn khi sản phẩm đó đi vào nhà hàng, quán ăn thì lực lượng này... dừng ngoài cửa vì việc kiểm tra ATTP bên trong thuộc ngành Y tế. Như thế, 2 đơn vị kiểm tra 2 đầu, nếu không phối hợp tốt sẽ không hiệu quả bởi việc kiểm tra không toàn diện, không sâu. 

Hà Nguyễn
Bình luận
Back To Top