Tìm đầu ra cho rau an toàn

Còn nhiều khó khăn

09:12 - Thứ Tư, 11/04/2018 Lượt xem: 8845 In bài viết
ĐBP - Hiện nay, tỉnh ta có gần 30ha chuyên canh sản xuất rau an toàn (RAT), tập trung chủ yếu ở các xã trong vùng lòng chảo huyện Ðiện Biên. Sản xuất nhỏ lẻ, chưa chú trọng đến bao bì đóng gói sản phẩm và tiếp thị thị trường, do đó người tiêu dùng khó phân biệt sản phẩm rau an toàn với sản phẩm rau sản xuất theo lối truyền thống. Cùng với đó, việc vận chuyển tiêu thụ với quãng đường khá xa, cũng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, do đó RAT hiện vẫn chỉ tiêu thụ tại chỗ và ở mức nhỏ lẻ chứ chưa có thị trường ổn định tiêu thụ sản lượng lớn, lâu dài.

 

Người tiêu dùng lựa chọn RAT tại Siêu thị Tâm Ðỏ (TP. Ðiện Biên Phủ). Ảnh: Thu Phương

Là một trong 10 cơ sở được cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn, Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green, đội 5, xã Thanh An (huyện Ðiện Biên) chuyên sản xuất rau theo quy trình VietGap đã liên kết với một số đơn vị và hợp tác xã trồng RAT để có trên 7ha chuyên canh các sản phẩm rau. Theo chị Nguyễn Thị Hiên, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green, mỗi năm hệ thống cửa hàng của Công ty cũng chỉ tiêu thụ được 300 tấn rau, củ, quả. Lý giải về việc tìm những đơn vị, siêu thị bao tiêu sản phẩm ở TP. Hà Nội để cung cấp một lượng rau lớn, chị Hiên cho rằng: Việc vận chuyển với quãng đường khá xa (500km từ Ðiện Biên đi Hà Nội) đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm, khi rau đến tay người tiêu dùng không còn độ tươi ngon nên rất khó để ký kết với các đơn vị bao tiêu.

Vựa rau Noong Luống khá nổi tiếng nhiều năm qua, với sản lượng hàng nghìn tấn/vụ. Từ năm 2016 - 2017, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã hỗ trợ, hướng dẫn 30 hộ dân đội 18, 19 quy trình trồng RAT theo hướng Gap cơ bản đáp ứng yêu cầu bắt buộc 26/65 quy trình sản xuất RAT theo hướng VietGap. Năm 2017, Hợp tác xã RAT Noong Luống ra đời, với sự tham gia của hàng chục hộ dân. Tuy nhiên, hiện nay mẫu mã bao bì đóng gói sản phẩm cũng là vấn đề không nhỏ để RAT của hợp tác xã tiếp cận thị trường. Người dân sản xuất có sự giám sát quy trình của cơ quan chuyên môn, do đó sản phẩm RAT khi thu hoạch một phần nhỏ được cung cấp cho các đơn vị bao tiêu, phần còn lại vẫn cung cấp ra thị trường bán lẻ như rau sản xuất thông thường bởi sản phẩm chưa được chú trọng trong khâu đóng gói, bảo quản sản phẩm. Do đó, dẫn đến giá cả không thể cao hơn nhiều so với giá rau truyền thống. Vào thời điểm hiện tại, khi giá rau trên thị trường đang xuống thấp kỷ lục trong năm; chỉ từ 1.000 - 2.000 đồng/kg cải bắp, thì phần lớn người tiêu dùng khó có thể lựa chọn RAT cho bữa ăn.

Theo Chỉ thị 02/CT-UBND tỉnh năm 2017, giai đoạn 2016 - 2020 tỷ lệ bếp ăn tập thể nhập nguyên liệu đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) đạt khoảng 80%. Các bếp ăn tập thể phải được kiểm soát ATTP, sản phẩm đảm bảo nguồn gốc. Theo đó, từ đầu năm đến nay Phòng Giáo dục và Ðào tạo TP. Ðiện Biên Phủ đã có văn bản chỉ đạo các trường học trên địa bàn thành phố, phải nhập rau có nguồn gốc, xuất xứ; có chứng nhận đảm bảo ATTP. Ðây là giải pháp quan trọng, không chỉ thúc đẩy các tổ chức, cá nhân sản xuất RAT theo chuỗi, mà còn đảm bảo khá tốt đầu ra cho sản phẩm.

Tuy nhiên, để sản phẩm RAT có mặt trên thị trường bền vững cũng rất cần sự năng động, chuyên nghiệp của tổ chức, cá nhân sản xuất RAT trong khâu quảng cáo tiếp thị thị trường. Học hỏi những mô hình thành công ở các tỉnh bạn để có cách quảng bá đến các nhà hàng lớn, đến siêu thị; hay cách tiếp cận người tiêu dùng, cũng như cách đóng gói, bảo quản sản phẩm đúng chuẩn để người tiêu dùng dễ nhận biết.

Thành Ðạt
Bình luận
Back To Top