Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”

Pa Tần phục hồi giống chè quý

09:17 - Thứ Tư, 11/04/2018 Lượt xem: 9123 In bài viết
ĐBP - Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai, xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ) lựa chọn nhân rộng và phát triển thương hiệu cây chè tự nhiên trên địa bàn. Ðây là nội dung quan trọng trong xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp được xã Pa Tần triển khai nhằm phát triển, sản xuất chè theo hướng hàng hóa, mang tính chất đặc trưng của địa phương, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Người dân xã Pa Tần thực hành chế biến chè.

Hiện nay, xã Pa Tần có 6/9 bản có nhiều diện tích chè cây cao, mọc tự nhiên dưới tán rừng. Theo người cao tuổi ở xã Pa Tần cho biết, cây chè xuất hiện từ thời Pháp thuộc nên người dân quen gọi là cây chè Pháp. Cụ Vàng Văn Chiên, bản Pa Tần cho biết: Trước những năm 1920 của thế kỷ XX, nhiều đàn ông, trai tráng trong vùng được gọi đi đào đường, vận chuyển lương thực cho lính Pháp. Ngày đó, đây là con đường chiến lược để ngựa thồ hàng hóa, lương thực, súng đạn, cũng là nơi để quân Pháp rút lui qua nước Lào. Ở địa phận của xã Pa Tần, con đường bắt đầu từ đồi Pom Lung kéo dài qua các bản Nậm Thà Nà, Huổi Tre, Huổi Púng lên tận xã Mường Toong (huyện Mường Nhé) rồi sang tỉnh Phoong Sa Ly (nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào). Quá trình làm đường, người Pháp đã mang theo một loại chè trồng 2 bên đường và các điểm nghỉ chân. Từ đó, trên địa bàn xã Pa Tần xuất hiện giống chè cho vị thơm ngon, thường được người dân hái về pha nước uống.

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, xã Pa Tần lựa chọn nhân rộng và phát triển thương hiệu cây chè Pháp thành sản phẩm đặc trưng của xã. Ðể thực hiện thành công Chương trình, sau khi Ðảng ủy và chính quyền xã thống nhất lựa chọn phát triển sản phẩm chè sạch, từ đầu năm 2017, UBND xã Pa Tần đã xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể đến từng tổ chức, đoàn thể của xã. Ðồng thời, phổ biến rộng rãi đến người dân trên địa bàn về Chương trình, tuyên truyền người dân tích cực bảo vệ, phát triển rừng để gìn giữ và phát triển những diện tích chè hiện có dưới tán rừng. Các bản vận động người dân thường xuyên tỉa cành để cây phát triển búp chè mới và quy hoạch vùng đất để trồng chè tập trung. Sau đó, xã Pa Tần xây dựng vườn ươm và tiến hành ươm giống. Hiện nay, xã Pa Tần đã ươm được trên 1.000 cây chè giống. Cùng với đó, xã đề nghị các phòng chuyên môn của huyện Nậm Pồ như: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật ươm, trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến chè thành sản phẩm hàng hóa. Cán bộ kỹ thuật của huyện xuống tận các bản, hộ gia đình “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn để người dân nắm được quy trình kỹ thuật. UBND huyện Nậm Pồ hỗ trợ xã Pa Tần 1 bộ máy chế biến chè. Hiện xã Pa Tần đã cho ra lò những mẻ chè đầu tiên, năm 2017, với diện tích chè hiện có, xã Pa Tần đã chế biến được 100kg chè khô. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, chè Pháp Pa Tần sau khi chế biến vẫn giữ được màu sắc và hương vị thơm ngon, đặc trưng không giống bất kỳ giống chè nào trên địa bàn tỉnh. Tương lai đây sẽ là một sản phẩm có tiềm năng phát triển, có thể cạnh tranh với các sản phẩm chè trên thị trường.

Bà Vàng Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Pa Tần cho biết: Ðể phát triển sản phẩm chè theo hướng hàng hóa, mang lại thu nhập cho người dân là cả một quá trình, không phải ngày một ngày hai là có thể thực hiện được. Ðiều này, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn. Năm 2018, xã sẽ triển khai mô hình trồng chè với diện tích 2ha tại 2 bản: Pa Tần và Huổi Sâu. Ðồng thời, tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng chè; tiếp tục chăm sóc, bảo vệ và chế biến thành sản phẩm đối với những diện tích chè hiện có nhằm mục đích giới thiệu sản phẩm chè đến người tiêu dùng.

Tin tưởng rằng, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” ở xã Pa Tần sẽ thành công, giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, góp phần hoàn thành nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới. Ðồng thời, làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm đặc trưng ở địa phương.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top