Nông nghiệp công nghệ cao

Nhìn từ Sơn La

08:25 - Thứ Năm, 12/04/2018 Lượt xem: 9079 In bài viết
ĐBP - Năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh ta đã đạt được một số kết quả tích cực, hướng tới nền nông nghiệp an toàn, bảo vệ và phát triển thương hiệu, gắn nông nghiệp với du lịch, đặc biệt là áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng, năng suất. Tuy nhiên, nếu sang tỉnh giáp ranh là Sơn La, “mục sở thị” thành tựu nông nghiệp của bạn, phải thừa nhận rằng: Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm!

Khái niệm áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hay công nghiệp hóa nông nghiệp ở Ðiện Biên không còn là mới mẻ. Bởi từ khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều mô hình đã được phổ biến, triển khai đến người nông dân; các tiêu chuẩn, liên kết về nông nghiệp như: VietGAP, “tam nông, 4 nhà” đã trở nên quen thuộc. Hàng năm, tỉnh đều liên hệ, kết nối để những chuyên gia ở các nước có nền nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu thế giới như: Israel, New Zealand đến Ðiện Biên tham quan, trao đổi kiến thức, kết nối… nhằm thúc đẩy nông nghiệp tỉnh ta, nhất là vùng lòng chảo Ðiện Biên phát triển. Gần đây nhất, đầu tháng 1/2018, HTX nông nghiệp công nghệ cao Bản Mé (đội 11, xã Thanh Hưng, huyện Ðiện Biên) với số vốn góp ban đầu 13,06 tỷ đồng của 52 thành viên đã được thành lập. Nhưng nhìn vào kết quả thực tế, có thể khẳng định, nền nông nghiệp nói chung, nông nghiệp công nghệ cao nói riêng ở tỉnh ta chưa được như kỳ vọng, chưa xứng với tiềm năng. Thậm chí, nếu không khẩn trương hơn nữa trong bảo vệ và phát triển thương hiệu, chúng ta có nguy cơ… “mất cả những gì còn lại”. Ðiển hình là những sản phẩm nông nghiệp vốn là đặc thù, mang tính nguyên bản của Ðiện Biên như: gạo tám Mường Thanh, một số nông sản ở Tủa Chùa, Nậm Pồ.

 

Anh Ðỗ Xuân Khởi bên mô hình trồng cam canh được tỉnh Sơn La hỗ trợ.

Cuối tháng 3 vừa qua, Hội thảo báo Ðảng các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc lần thứ XX năm 2018 với chủ đề “Báo Ðảng địa phương với nhiệm vụ tuyên truyền ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp” được Báo Sơn La đăng cai tổ chức. Trong chương trình Hội thảo, chủ nhà Báo Sơn La đã tạo điều kiện cho đại biểu khách mời tham quan, tìm hiểu về nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh bạn. Tỉnh Sơn La có 2 huyện phát triển nông nghiệp rất tốt là Mộc Châu và Mai Sơn.

Ðứng giữa nông trường với bạt ngàn cây ăn quả như: Xoài Úc, bưởi da xanh, cam canh, xen lẫn là những nông trại bò, khu vực trồng mía, ngô, cây thức ăn gia súc… Cảm giác đầu tiên của chúng tôi là sự thán phục! Theo ông Cầm Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn thì: Cách đây hơn 10 năm, Mai Sơn là một trong những huyện nghèo nhất tỉnh Sơn La. Sau 1 thập kỷ, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trải qua nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp (trong đó có không ít những thất bại), đến thời điểm này, Mai Sơn có trên 2.000ha cây ăn quả các loại, tổng sản lượng trên 5.200 tấn/năm. Trong đó, có trên 180ha xoài ghép với sản lượng đạt trên 1.500 tấn/năm; gần 800ha nhãn ghép, sản lượng 3.400 tấn/năm. Huyện thực hiện các cơ chế, chính sách về hỗ trợ chuyển đổi diện tích và cải tạo vườn tạp, kết hợp với quy trình kỹ thuật sản xuất tạo ra các sản phẩm có giá trị và khả năng cạnh tranh cao. Ðồng thời đảm bảo vững chắc nguồn tiêu thụ với loại hình liên kết “4 nhà”, thu nhập trung bình từ các vườn cây trái đạt từ 300 - 400 triệu đồng/ha/năm. Cá biệt như gia đình anh Ðỗ Xuân Khởi, bản Hoa Mai, xã Chiềng Ban với 1,4ha trồng kết hợp nhiều giống cây ăn quả, áp dụng công nghệ tưới ngầm nhỏ giọt của Israel cùng chế độ chăm sóc được tuân thủ nghiêm ngặt, nên ngay từ vụ thu hoạch đầu tiên đã cho sản lượng và chất lượng rất cao, mang về cho gia đình thu nhập trên 700 triệu đồng/ha/năm. Ðiều đặc biệt với các đại biểu - mà có lẽ đây chính là cơ chế hỗ trợ của tỉnh bạn - mặc dù thu nhập cao như vậy nhưng từ năm 2015 đến nay, gia đình anh Khởi vẫn được chính quyền địa phương hỗ trợ 100 triệu đồng/năm để tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng mô hình.

Qua bài học vươn lên phát triển từ huyện Mai Sơn, liên hệ đến Ðiện Biên để thấy được những thuận lợi, khó khăn nếu chúng ta áp dụng, học tập. Có thể thấy, dù vẫn có sự chênh lệch mang yếu tố khách quan mà tỉnh ta rất khó phủ lấp như: yếu tố địa lý (dù sao Sơn La vẫn gần thị trường tiêu thụ miền xuôi hơn, điều kiện tự nhiên ít đất dốc hơn với nhiều đồi đất đỏ thoai thoải). Tuy nhiên, điều “dễ” là những yếu tố mang tính con người, trong tầm tay con người. Phải thừa nhận, khi tiếp xúc với những nông dân ở Mai Sơn, nghe cách họ giới thiệu về quá trình canh tác, chăm sóc, phát triển sản xuất rất chuyên nghiệp, khoa học. Từng chỉ số, thuật ngữ chuyên môn đều được diễn đạt không kém những kỹ sư nông nghiệp. Ðơn cử như anh Ðỗ Xuân Khởi, chưa từng qua một trường, lớp học chính quy nào về nông nghiệp mà chỉ tích lũy qua các lớp tập huấn và áp dụng thực tế. Ðiều này cho thấy sự chuyên tâm đến say mê, áp dụng tiến bộ “công nghệ cao” ngay trong cách nghĩ, cách làm của nông dân Mai Sơn. “Nói được, làm được” như họ thì tính lan tỏa sẽ là điều đương nhiên. Vì vậy, điều cốt lõi để phát triển nói chung, hướng tới nông nghiệp mang tính chuyên nghiệp, hiện đại thì phải tạo được động lực từ chính người nông dân.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top