Sức bật Nậm Pồ

08:49 - Thứ Sáu, 13/04/2018 Lượt xem: 9418 In bài viết
ĐBP - Là huyện có xuất phát điểm thấp, những năm đầu thành lập, nền kinh tế Nậm Pồ tưởng chừng “lao đao” với nhiều nguyên do khác nhau, điển hình như thiếu vốn, bà con vùng cao thiếu kiến thức, tư duy trong cách làm ăn… Gạt đi những khó khăn, vướng mắc thủa sơ khai, với sự đầu tư của Ðảng và Nhà nước, sự nỗ lực của Ðảng bộ, chính quyền và đồng lòng góp sức của nhân dân, nền kinh tế Nậm Pồ đã gặt hái được những thành tựu đáng ghi nhận.

Ðến với huyện vùng cao Nậm Pồ, chúng tôi cảm nhận được những đổi thay rõ rệt; những cánh rừng, thửa ruộng đã xanh hơn, con đường bê tông men theo triền núi, điện đã về các bản mường; đói, nghèo đang dần lùi về quá khứ. Ðể có được những kết quả đáng mừng, trong công cuộc kiến thiết, xây dựng huyện Nậm Pồ vững về kinh tế, mạnh về an ninh - quốc phòng có sự đóng góp không nhỏ từ các chương trình, Ðề án, như: Chương trình 30a, Ðề án 29 xã biên giới, Chương trình 135, Quyết định 755... Ðặc biệt, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp huyện Nậm Pồ đã vận dụng linh hoạt, đưa các chỉ tiêu giảm nghèo vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm (15/15 đảng bộ xã đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Nghị quyết về bảo vệ và phát triển rừng; 14/15 xã xây dựng Nghị quyết về chăn nuôi gia súc, gia cầm...).

 

Nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án đã tạo điều kiện để huyện Nậm Pồ bê tông hóa giao thông nông thôn. Trong ảnh: Ðường vào Lả Chà (xã Pa Tần) được kiên cố hóa.

Là huyện vùng cao, kinh tế nông - lâm nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế, do vậy để hiện thực hóa các chủ trương vào thực tiễn đời sống, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ngay từ khi bắt tay vào xây dựng, huyện đã triển khai nhiều mô hình phát triển sản xuất nông - lâm ngư nghiệp từ các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước. Trong 2 năm (2016 - 2017), huyện đã hỗ trợ 34 con trâu, 231 con bò, 1.580 con dê sinh sản cho hộ nghèo thuộc 15 xã; hỗ trợ 145 máy cày, 98 máy tuốt lúa, 129 máy thái rau cho 978 hộ; hỗ trợ khai hoang, phục hóa từ Chương trình 30a 87,4ha (khai hoang 82,91 ha; phục hóa 4,49ha). Cây công nghiệp ngắn ngày như: đậu tương, lạc cũng tăng cả về diện tích và sản lượng, đến thời điểm này đều đã đạt trên 100% kế hoạch đề ra; đàn gia súc, gia cầm được duy trì, phát triển ổn định. Từ đó, nâng tổng giá trị sản xuất theo giá thực tế ước đạt 740,44 tỷ đồng (nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản ước đạt 386,49 tỷ đồng).

Không chỉ tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp, xác định con người là yếu tố tiên quyết trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, huyện đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động cho lao động nông thôn. 2 năm qua, huyện đã tổ chức 24 lớp đào tạo nghề cho 792 lao động (trung bình 396 lao động/năm); các nghề chủ yếu gắn với nhu cầu đào tạo của lao động nông thôn, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp. Cùng với đó, công tác giải quyết việc làm được huyện quan tâm thực hiện, từ các nguồn hỗ trợ sản xuất, vay vốn tín dụng, chương trình xuất khẩu lao động đã giải quyết việc làm cho trên 400 lao động/năm.

Với phương châm đầu tư trúng và đúng, từ các nguồn vốn được phân bổ, hệ thống kết cấu hạ tầng được huyện chú trọng quan tâm đầu tư, nâng cấp nhất là các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, như: Ðiện, đường, trụ sở xã, nhà văn hóa xã, bản. Trong 2 năm, huyện đã mở mới và nâng cấp 48,1km giao thông; đầu tư xây mới nâng cấp trụ sở 2 xã Chà Cang, Na Cô Sa; chỉnh trang, nâng cấp 3 chợ trung tâm xã (Nậm Tin, Chà Cang, Nà Hỳ)... Ðặc biệt, để người dân ổn định phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện đầu tư nâng cấp và xây mới 16 công trình thủy lợi, nâng tổng số công trình thủy lợi trên địa bàn huyện lên 66, 106,6km kênh mương các loại, cung cấp nước tưới tiêu cho trên 700ha.

Nằm ven quốc lộ 4H, Phìn Hồ được biết đến là xã thuộc diện khó khăn bậc nhất của Nậm Pồ; nhưng vài năm trở lại đây đời sống của bà con đã có những bước chuyển mình đáng kể. Ðặc biệt, nguồn vốn từ các chương trình, dự án (hỗ trợ cây, con giống, máy sản xuất nông nghiệp…) được ví như chiếc “phao cứu sinh” tạo sinh kế để hộ nghèo có thêm tư liệu sản xuất, từng bước phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống… Ông Vàng A Kỷ, Bí thư Ðảng ủy xã Phìn Hồ, chia sẻ: Những năm qua, với sự hỗ trợ của Ðảng và Nhà nước, tỉnh đã tạo tiền đề giúp kinh tế có bước chuyển mình rõ rệt. Nhân dân các dân tộc trong xã luôn đoàn kết, đồng lòng cùng với chính quyền địa phương khắc phục khó khăn, hăng say lao động sản xuất. Từ đó, góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị từ xã đến thôn, bản, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện, nâng cao.

Với những thành tích đạt được (tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 72,09% xuống còn 63,39%; tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 18.262 tấn...), tin rằng đây sẽ là “cú hích” để Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Nậm Pồ vươn xa hơn nữa trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng huyện ngày càng giàu đẹp, khang trang...

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top