Nâng chất lượng nguồn nhân lực

10:49 - Thứ Hai, 16/04/2018 Lượt xem: 9398 In bài viết

ĐBP - Nguồn nhân lực có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao lợi thế cạnh tranh của tỉnh để thu hút đầu tư. Công tác phát triển nguồn nhân lực luôn được tỉnh quan tâm nhờ đó quy mô, cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực từng bước phát triển tích cực và tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Là một trong những chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh, Ðề án Phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 11/2016 là cơ sở pháp lý để thực hiện các giải pháp tổ chức thực hiện nâng chất lượng nguồn nhân lực, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hội nhập quốc tế và khu vực. Trong đó, công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được đặc biệt quan tâm và coi đó là yếu tố quan trọng, giúp Ðiện Biên chủ động nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cơ bản, làm chủ kỹ năng nghề nghiệp, thích ứng với thị trường lao động, phục vụ tốt yêu cầu phân công lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong từng thời kỳ, đảm bảo phát triển bền vững.

 

Không ít nông dân huyện Mường Chà trở thành công nhân cạo mủ cao su với thu nhập ổn định. Ảnh: Minh Thùy

Toàn tỉnh hiện có 331.013 người trong độ tuổi lao động, chiếm hơn 58% dân số; lực lượng lao động trên 319.920 người, chiếm 96,3% lao động trong độ tuổi lao động. Ðể nâng cao chất lượng nguồn lao động, tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành liên quan, bám sát các cơ chế, chính sách hướng dẫn của Trung ương trong phát triển nguồn nhân lực để tổ chức triển khai đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn. Toàn tỉnh hiện có 3 trường cao đẳng công lập; 13 cơ sở đào tạo nghề với cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, đa dạng hóa các ngành nghề đáp ứng nhu cầu học tập, học nghề nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề. Các cơ sở tích cực đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, đa dạng các loại hình đào tạo; trung bình mỗi năm đào tạo trình độ, chuyên môn tay nghề cho trên 8.000 lao động (trong đó, gần 7.900 lao động được đào tạo nghề). Ðẩy mạnh triển khai dạy nghề trọng điểm, tập trung dạy nghề lâm sinh và chế biến mủ cao su… khuyến khích các doanh nghiệp tham gia dạy nghề để sử dụng lao động sau đào tạo, gắn đào tạo nghề với tạo và tự tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2017 đạt khoảng 49,7%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt hơn 28%. Công tác đào tạo nghề đã chuyển biến tích cực theo hướng đào tạo gắn với thị trường lao động, nhiều cơ sở dạy nghề chủ động liên kết với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, tìm “đầu ra” cho học viên sau đào tạo. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư. Việc phát triển thị trường lao động gắn với giải quyết việc làm và sử dụng lao động đạt được kết quả khả quan, khi chỉ riêng năm 2017 toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 9.046 lao động.

Ðẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, quy mô nguồn nhân lực tăng, cơ cấu lao động có những chuyển dịch tích cực từ khu vực nông - lâm nghiệp sang các ngành công nghiệp và dịch vụ; trình độ chuyên môn có những cải thiện tích cực cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ðến hết năm 2017, cơ cấu lao động trong khu vực nông - lâm - thủy sản là 63,59%; công nghiệp - xây dựng là 12,46%; dịch vụ là 23,95%.

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung toàn quốc cũng như trong khu vực thì các điều kiện về kinh tế, xã hội và chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh vẫn ở mức thấp và còn nhiều khó khăn. Do đó, yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu đưa Ðiện Biên trở thành tỉnh có trình độ phát triển trung bình vào năm 2020 được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới. Vấn đề cải thiện và tăng cường thông tin về xu hướng nghề nghiệp, thị trường lao động, nhu cầu nhân lực của các tổ chức, doanh nghiệp, các ngành kinh tế - xã hội trong tỉnh và của quốc gia được chú trọng. Tỉnh tập trung đào tạo nâng cao tỷ lệ, chất lượng lao động qua đào tạo, chú trọng đào tạo nghề lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn, đào tạo nghề cho các đối tượng chính sách, người nghèo, cận nghèo gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo. Ðào tạo nhân lực có chất lượng cao gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Mở rộng phát triển thị trường lao động, phối hợp đào tạo, cung cấp nguồn lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu cho các cơ sở tuyển dụng lao động trong nước và xuất khẩu. Ðẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực để khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân đầu tư đào tạo nhân lực cho bản thân doanh nghiệp và cho xã hội, thu hút nhân tài phục vụ nền kinh tế, xã hội nhằm phát triển nguồn nhân lực theo hướng đáp ứng yêu cầu về số lượng, đảm bảo chất lượng và cơ cấu hợp lý. Phấn đấu đến năm 2020, có 58,7% lao động làm việc trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản; 15,6% làm việc trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và 25,7% làm việc trong lĩnh vực dịch vụ. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 58,6%.

Minh Thùy
Bình luận
Back To Top