Nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở Mường Nhé

09:16 - Thứ Tư, 18/04/2018 Lượt xem: 9544 In bài viết
ĐBP - Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Mường Nhé từ năm 2010. Tuy nhiên sau nhiều năm xây dựng NTM, tổng mức đầu tư (vốn lồng ghép) cho Chương trình lên đến hàng nghìn tỷ đồng, song việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM trên địa bàn huyện Mường Nhé diễn ra rất chậm. Theo nhận định của UBND huyện, các tiêu chí về thủy lợi, thu nhập, giao thông, chợ, nghĩa trang... sẽ không thể đạt chuẩn NTM trong tương lai gần.

Giai đoạn 2011 - 2015, tổng vốn huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện Mường Nhé là trên 2.489 tỷ đồng nhưng kết quả đạt được còn nhiều hạn chế. Kết quả chủ yếu là về mặt nhận thức khi đã làm chuyển biến, nâng cao một bước nhận thức trong các cấp ủy Ðảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng về Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Bước đầu tạo được sự đồng thuận của nhân dân trong việc thực hiện xây dựng NTM. Bộ máy tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình từ huyện đến xã được hình thành song hiệu quả hoạt động chưa cao. Ðến cuối năm 2015, các xã trên địa bàn huyện bình quân đạt 4,5 tiêu chí/xã. Trong đó, toàn huyện chưa có xã nào đạt nhóm 1 (đạt 19 tiêu chí), nhóm 2 (đạt 15 - 18 tiêu chí) và nhóm 3 (từ 10 - 14 tiêu chí). Huyện mới có 5 xã đạt nhóm 4 (từ 5 - 9 tiêu chí) và 6 xã đạt nhóm 5 (đạt dưới 5 tiêu chí).

 

Ðoàn viên thanh niên xã Sen Thượng giúp người dân bản Tả Ló San nạo vét đất thừa đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn dân cư. Ảnh: Ðức Linh

Tổng nhu cầu vốn thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn huyện Mường Nhé giai đoạn 2016 - 2020 là gần 2.800 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương gần 2.300 tỷ đồng; ngân sách địa phương các cấp 13,2 tỷ đồng; vốn lồng ghép 141,5 tỷ đồng; vốn tín dụng 200 tỷ đồng; vốn huy động từ cộng đồng dân cư: 90 tỷ đồng và các nguồn vốn khác. Huyện Mường Nhé phấn đấu đến năm 2020 đạt bình quân 15,3 tiêu chí/xã, tăng 10,7 tiêu chí/xã so với năm 2015; có 3 xã đạt 19 tiêu chí; 3 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 5 xã còn lại đạt từ 10 - 14 tiêu chí. Chất lượng và nội dung của các tiêu chí được nâng lên; tăng thu nhập bình quân cho người dân; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 20%; tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 45%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 99,8%; tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%...

Mục tiêu tổng thể như vậy nhưng sau 2 năm xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2016 - 2020), việc thực hiện mục tiêu kế hoạch cụ thể từng năm của huyện đều không đạt. Ðến thời điểm hiện tại các xã trên địa bàn mới đạt 7,4% tiêu chí/xã. Trong khi một số xã có bước tiến lớn, bứt phá khỏi nhóm 4, nhóm 5 như: Sín Thầu đạt 15 tiêu chí; Sen Thượng đạt 9 tiêu chí; Mường Nhé đạt 8 tiêu chí, thì không ít xã trên địa bàn vẫn “giậm chân tại chỗ”. Theo ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé thì tiến độ thực hiện các nội dung xây dựng NTM rất chậm. Cơ sở hạ tầng của các xã tuy đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Việc triển khai tổ chức thực hiện còn lúng túng, gặp nhiều khó khăn; trình độ năng lực cán bộ cấp cơ sở còn nhiều hạn chế, chưa chủ động trong công việc... Cái khó lớn nhất trong xây dựng NTM huyện phải đối mặt là nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu và phát triển sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu. Lý do ở đây là suất đầu tư tại những xã vùng sâu, vùng xa rất cao. Bên cạnh đó, đời sống người dân còn rất khó khăn, tỷ lệ nghèo cao nên việc huy động nguồn lực từ phía cộng đồng dân cư là không thể. Ðơn cử, để hoàn thành được tiêu chí số 3 về thủy lợi sẽ đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất và dân sinh, thì trên địa bàn huyện Mường Nhé phải xây dựng tới hơn 100 công trình (hiện tại có 61 công trình). Cùng với đó, hệ thống kênh mương kiên cố lên tới hàng trăm ki lô mét. Tuy nhiên, nguồn vốn từ ngân sách hạn hẹp, nguồn lực từ phía người dân không có nên hiện nay chưa có xã nào hoàn thành được tiêu chí số 3. Tiêu chí về thu nhập cũng là một tiêu chí rất khó đạt. Công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân đã được triển khai từ nhiều năm nay nhưng do tập quán canh tác còn lạc hậu, chi phí đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật cho sản xuất cao, trình độ dân trí thấp nên khi các mô hình thực hiện hỗ trợ xong mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế nhưng người dân vẫn theo tập quán sản xuất cũ, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên thu nhập rất thấp.

Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top