Rừng Mường Ảng thêm xanh

08:34 - Thứ Năm, 19/04/2018 Lượt xem: 9179 In bài viết
ĐBP - Trong chuyến đi thực tế về Mường Ảng gần đây, chúng tôi tình cờ gặp đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng đi kiểm tra thực tế những diện tích rừng keo tai tượng mới trồng từ năm 2016, bằng nguồn vốn của Chương trình 30a. Ðánh giá sơ bộ của đoàn cho thấy, số diện tích rừng sản xuất của huyện phát triển khá tốt, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%. Có được kết quả này là nhờ khâu triển khai, tổ chức thực hiện tốt; người dân bảo vệ, chăm sóc kịp thời…

Ðể có những thông tin cụ thể hơn, chúng tôi về xã Búng Lao - một trong những địa bàn có diện tích trồng rừng sản xuất năm 2016 - 2017 nhiều nhất huyện Mường Ảng. Trực tiếp dẫn chúng tôi đi thăm những diện tích rừng sản xuất của xã, đồng chí Lò Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Búng Lao, cho biết: Hiện xã đã triển khai trồng rừng sản xuất tại 2/18 bản, gồm: Hồng Sọt và Kéo Nánh; hộ trồng ít khoảng 1ha, hộ trồng nhiều nhất khoảng 4ha. Năm 2016, xã triển khai trồng được 98,34ha, vượt kế hoạch 48,34ha; năm 2017 trồng được 62,3ha, vượt kế hoạch 12,3ha; năm 2018, chỉ tiêu giao 50ha, xã sẽ tiếp tục triển khai trồng thêm tại 3 bản: Xuân Tre 1, Xuân Tre 2 và Xuân Món.


Ông Lò Văn Tâm, bản Hồng Sọt, xã Búng Lao (huyện Mường Ảng) tỉa cành cây keo tai tượng.

Từ bản Hồng Sọt, đi xe máy theo đường mòn khoảng 3km, chúng tôi đến khu vực trồng rừng sản xuất của xã. Từ một mỏm đồi, có thể nhìn bao quát toàn bộ rừng keo tai tượng với một màu xanh bạt ngàn. Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã, trước đây khu vực này toàn đồi cỏ gianh và lau lách. Từ năm 2016, khi xã triển khai Ðề án Trồng rừng sản xuất nguyên liệu tập trung đến nay, khu vực này trở thành những cánh rừng nguyên liệu nhiều tiềm năng. Lúc đầu triển khai dự án, do chưa nhận thức rõ những lợi ích từ việc trồng rừng nên người dân chưa mặn mà. Sau khi được tuyên truyền, vận động và nhất là hiện nay khi nhìn thấy thành quả những cánh rừng mới trồng từ 1 - 2 năm mà đã phát triển xanh tốt, tỷ lệ cây sống rất cao, thì bà con bắt đầu hăng hái. Những hộ trước đây không muốn trồng rừng thì nay xin được trồng rừng, còn những hộ đã trồng rừng thì xin được mở rộng thêm diện tích. Có lẽ đây là tín hiệu vui khi mà người dân đã bắt đầu nhận thức được lợi ích từ việc trồng rừng và có thể sống được nhờ rừng.

Chúng tôi đến thăm rừng keo tai tượng được trồng từ năm 2016 của gia đình ông Lò Văn Tâm, bản Hồng Sọt, xã Búng Lao. Vừa phát dọn cỏ, vừa tỉa cành cho cây keo, ông Tâm cho biết: Năm 2016 gia đình ông nhận trồng hơn 3ha cây keo tai tượng, năm 2017 ông nhận trồng thêm 1ha. Do nhà ít người nên nhận trồng nhiều rừng cũng gặp không ít khó khăn, nhất là trong quá trình phát dọn thực bì, đào hố; khi chuẩn bị trồng rừng thì vướng vào thời gian làm nương, do vậy lại càng thiếu nhân lực. Rất may, để kịp tiến độ, xã đã vận động đoàn viên thanh niên, các đoàn thể, công an, bộ đội, dân quân tự vệ, học sinh THPT… hỗ trợ những hộ trồng rừng, như: làm đường nội vùng để vận chuyển cây giống, đào hố… Sau 2 năm chăm sóc, giờ đây diện tích rừng keo của gia đình ông Tâm đã phát triển xanh tốt, các cây rất đều nhau, trung bình độ cao của mỗi cây khoảng 5m. “Quả thực lúc đầu nhận trồng rừng gia đình tôi vẫn còn do dự về tính hiệu quả kinh tế và đầu ra cho sản phẩm; nhưng khi được cán bộ huyện, xã vận động, tuyên truyền tích cực tôi thấy yên tâm, tự tin hơn khi tham gia trồng rừng. Ðặc biệt, nhìn thấy sự phát triển của rừng hiện nay, trước mắt chúng tôi rất phấn khởi. Dự kiến năm 2018, gia đình tôi tiếp tục mở rộng thêm một số diện tích nữa” - ông Lò Văn Tâm chia sẻ.

Thực hiện chương trình hỗ trợ trồng rừng sản xuất theo Nghị quyết 30a, toàn huyện Mường Ảng hiện có 356,21ha rừng sản xuất trồng năm 2016 và 398,51ha trồng năm 2017; được triển khai tại 8/10 xã, thị trấn, gồm: Mường Lạn, Búng Lao, Ẳng Tở, Ẳng Cang, Mường Ðăng, Xuân Lao, Nặm Lịch và Ngối Cáy. Hiện nay, công tác trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng đạt được kết quả tương đối tốt cả về số lượng và chất lượng. Theo kế hoạch năm 2018, toàn huyện sẽ tiếp tục triển khai trồng 400ha. Ông Kiều Xuân Hoàng, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng, cho biết: Ðối với rừng keo tai tượng, khoảng 7 năm sẽ được khai thác. Trong thời gian đầu triển khai trồng rừng, về cơ chế chính sách người dân vẫn chưa hiểu hết, bà con cho rằng trồng rừng là trồng cho Nhà nước. Qua 2 năm triển khai, bà con đã nhận thức được trồng rừng sản xuất là trồng cho chính mình nên các gia đình đã hăng hái hơn. Hiện nay, trồng rừng sản xuất bà con được hỗ trợ trong vòng 4 năm, với số tiền là 10 triệu đồng/ha; năm đầu hỗ trợ 6,5 triệu đồng/ha, sau khi nghiệm thu, đánh giá tỷ lệ cây sống sẽ tiếp tục hỗ trợ số tiền còn lại.

Ðược biết, khi triển khai trồng rừng sản xuất, hầu hết các địa bàn đều chưa có đường vận chuyển cây giống nên người dân phải gánh đi bộ, mùa mưa rất vất vả, hiệu quả lại không cao. Vì vậy huyện Mường Ảng đã thống nhất mức hỗ trợ làm đường vận chuyển cho bà con là 3 triệu đồng/km đường xe máy đi được; đồng thời huy động chủ yếu lực lượng đoàn viên thanh niên, lực lượng dân quân và cán bộ xã… bỏ ngày công lao động giúp bà con mở đường. Từ đó, tạo thuận lợi cho người dân khi vận chuyển cây giống lên tận nơi, đảm bảo tiến độ, thời gian trồng rừng. Ðây chính là cách làm mới của huyện Mường Ảng trong việc hỗ trợ người dân trồng rừng.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng, cho biết: Toàn bộ diện tích hơn 750ha rừng sản xuất của huyện hiện nay phát triển rất tốt, sau khi trồng giặm xong, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%. Ðể giảm sự phá hoại của gia súc, huyện đã chỉ đạo xã thống nhất với các hộ gia đình trong khu vực trồng rừng di chuyển toàn bộ những trang trại chăn nuôi ra khỏi khu vực trồng rừng; yêu cầu các xã thành lập lực lượng dân quân tự vệ cùng ban công an xã thường xuyên cử người bảo vệ diện tích rừng trồng trong những năm đầu. Chính vì vậy, toàn bộ diện tích rừng sản xuất trồng năm 2016 - 2017 của huyện rất ít bị gia súc phá hoại.

Ðối với đầu ra của sản phẩm, ông Nguyễn Hữu Hiệp cho rằng, đây là vấn đề mà huyện quan tâm nhất. Vì vậy, ngay trước khi triển khai trồng rừng, huyện đã làm việc, thỏa thuận với Công ty Cổ phần Rừng Việt Tây Bắc về việc thu mua nguyên liệu gỗ keo tai tượng, với giá tối thiểu là 1.000.000 đồng/m3, với những cây có đường kính từ 15cm trở lên… Sau khi triển khai trồng rừng năm 2016, huyện tiếp tục thành lập đoàn công tác xuống làm việc với Công ty Giấy Bãi Bằng để liên hệ đầu ra. Ngoài ra, phía Công ty đã cam kết với huyện, nếu vùng nguyên liệu có diện tích 1.000ha trở lên, Công ty sẽ bố trí phương tiện, máy móc và con người lên sơ chế tại chỗ, rồi chở nguyên liệu về để xẻ gỗ ván thanh, ván ép xuất khẩu. Lãnh đạo huyện Mường Ảng cũng đang đề nghị với tỉnh, nếu như diện tích rừng của huyện đủ đảm bảo xây dựng nhà máy chế biến gỗ ván dăm trên địa bàn, thì sẽ kêu gọi thu hút đầu tư để xây dựng nhà máy.

Việc trồng rừng sản xuất ở Mường Ảng hiện nay đang có chiều hướng thuận lợi cả đôi đường. Nếu như mọi việc suôn sẻ thì trong tương lai, người dân Mường Ảng có thể yên tâm sống được nhờ rừng. Và khi đó, nhân dân các dân tộc nơi đây sẽ là chủ của những cánh rừng, vừa phủ xanh đất trống, vừa mang lại giá trị kinh tế cho mỗi gia đình. Giờ đây, chính quyền cũng như nhân dân Mường Ảng đang rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành thông qua các chủ trương, chính sách để rừng Mường Ảng tiếp tục phát triển, giúp người nông dân từng bước xóa đói, giảm nghèo...

Bài, ảnh: Linh Giang
Bình luận
Back To Top