Quản lý sản xuất rượu thủ công

Khó đủ đường

08:34 - Thứ Năm, 26/04/2018 Lượt xem: 8880 In bài viết
ĐBP - Tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh mặt hàng rượu, nhất là đối với rượu sản xuất bằng phương pháp thủ công theo Nghị định 105/NÐ - CP của Chính phủ về kinh doanh rượu chính thức có hiệu lực từ ngày 1/11/2017. Tuy nhiên đến nay trên địa bàn tỉnh, tình trạng sản xuất rượu thủ công, nấu rượu “lậu” vẫn tiếp diễn.

Làm nghề nấu rượu, nuôi lợn đã ngót chục năm nên gia đình bà L., phường Thanh Bình (TP. Ðiện Biên Phủ) dù không biết chi tiết, từng nội dung được quy định tại các nghị định, hướng dẫn về sản xuất, kinh doanh rượu, nhưng bà biết rằng phải có giấy phép sản xuất mới được nấu chưa nói đến một số quy định khác. Biết, nhưng vì nhiều lẽ nên đến tận bây giờ gia đình bà L. vẫn nấu rượu “chui”. Phố xá đều biết và nhiều hộ bao năm qua mỗi khi có công to việc lớn cần đến rượu hay sử dụng rượu hàng ngày vẫn tìm đến gia đình bà L. để đặt hàng. Còn với bà L. dù được cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng, cán bộ quản lý thị trường thành phố vài ba lần đến tuyên truyền, nhắc nhở nhưng đến nay vẫn chưa đăng ký để được cấp phép sản xuất rượu thủ công theo đúng quy định. Bà L. cho biết: Chẳng phải chây ỳ hay cố tình chống đối việc thực hiện quy định của pháp luật gì cả, mà chỉ vì gia đình nấu không thường xuyên, số lượng ít nên làm các thủ tục đăng ký rồi chi phí tính vội cũng lên đến hơn 7 - 8 triệu đồng, là số tiền quá lớn. Nào là tiền làm thủ tục đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, tiền xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công mà còn chưa nói đến hàng loạt chi phí để đăng ký công bố tiêu chuẩn, chất lượng, dán tem nhãn theo quy định… Nấu mỗi nồi được dăm bảy lít rượu, chủ yếu lấy bã chăn nuôi, lãi lời bao nhiêu đâu để mà làm thủ tục xin cấp hàng loạt các loại giấy phép, giấy chứng nhận.

Cũng giống gia đình bà L. hầu hết các gia đình nấu rượu thủ công trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ phần lớn chưa đăng ký giấy phép sản xuất. Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng Kinh tế - Hạ tầng, có gần 60 hộ hiện đang sản xuất rượu thủ công, chủ yếu với quy mô nhỏ, tập trung phần lớn ở phường Him Lam, Nam Thanh… Dù cán bộ phòng đã tới các gia đình tuyên truyền quy định của Nhà nước về sản xuất, kinh doanh rượu thủ công để người dân biết để làm thủ tục đăng ký, nhưng đến nay số hộ tới làm thủ tục đăng ký kinh doanh là vô cùng hiếm. Tính đến cuối năm 2017, Phòng Kinh tế - Hạ tầng mới chỉ cấp phép được cho 7 hộ sản xuất rượu tự nấu (trong đó, 1 trường hợp đến nay đã hết hạn, nhưng chưa đến làm thủ tục cấp lại). Và từ đầu năm đến nay, mới cấp phép thêm được cho 1 trường hợp sản xuất rượu thủ công!

Lý giải về nguyên nhân phổ biến tình trạng các hộ sản xuất rượu thủ công không đăng ký cấp phép, bà Ðỗ Thị Ngọ, cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng, người trực tiếp hướng dẫn người dân làm thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ cho rằng: Do nhận thức hạn chế cùng với hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công khá phức tạp và chi phí thực hiện ban đầu cao so với quy mô sản xuất, nên các cơ sở sản xuất sau khi được hướng dẫn vẫn còn lúng túng trong việc thực hiện đăng ký cấp phép. Một số cơ sở không sản xuất thường xuyên, sản lượng thấp, phạm vi thị trường nhỏ, hiệu quả sản xuất thấp nên không muốn thực hiện đăng ký cấp phép.

Tương tự như vậy, tại huyện Tủa Chùa nổi tiếng trong và ngoài tỉnh bởi “thương hiệu” sản xuất rượu ngô, rượu thóc; song việc thực hiện quy định sản xuất, kinh doanh rượu thủ công theo quy định của pháp luật, trước đây là Nghị định 94 và hiện nay Nghị định 105 của Chính phủ về kinh doanh rượu lại rất hạn chế. Tựu chung cũng đều do nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất rượu thủ công đối với mặt hàng này. Hiện tại, toàn huyện có 176 cơ sở sản xuất và kinh doanh rượu, nhưng số cơ sở được cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công vô cùng hiếm, phổ biến vẫn là tình trạng sản xuất kiểu tự cung tự cấp và khi dư chút mới bán trên thị trường nên việc thống kê, quản lý, kiểm tra gặp nhiều khó khăn.

Theo quy định của Nghị định 105/NÐ-CP của Chính phủ về kinh doanh rượu, để được cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, các hộ phải có bản sao giấy tiếp nhận công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật); bản sao giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; bản liệt kê tên hàng hoá rượu kèm theo bản sao nhãn hàng hoá rượu mà tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc dự kiến sản xuất. Biết rằng, rượu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng nên yêu cầu này là cần thiết để quản lý chất lượng, nhưng đối với các hộ sản xuất thủ công với quy mô nhỏ, lẻ; số lượng không nhiều thì việc thực hiện các thủ tục nêu trên thực sự là vấn đề khó khăn... Ðiều đó phần nào lý giải cho tình trạng trong số hàng trăm gia đình, thậm chí hàng nghìn hộ trong toàn tỉnh hiện đang sản xuất rượu thủ công, nhưng rất ít số hộ có giấy phép sản xuất mặt hàng này. Tính đến hết năm 2017, mới có 18 cơ sở được cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công; 21 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất rượu thủ công còn hiệu lực và đang hoạt động.

Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top