Ðổi thay từ nguồn vốn chính sách xã hội

10:30 - Thứ Sáu, 27/04/2018 Lượt xem: 7535 In bài viết
ĐBP - Không chỉ thoát nghèo mà hàng nghìn hộ đã từng là hộ nghèo nay có cuộc sống khấm khá là nhờ được tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Nguồn vốn ưu đãi này thực sự là nguồn lực hữu ích giúp người nghèo, các đối tượng được thụ hưởng chính sách; nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vượt khó vươn lên, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.


Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ðiện Biên hướng dẫn người dân xã Thanh An làm thủ tục vay vốn.

Dẫn chúng tôi thăm vườn cà phê đã hơn chục năm tuổi, ông Bạc Cầm Phiu, bản Nà Dên, xã Búng Lao (huyện Mường Ảng) chia sẻ: Không có sự “trợ lực” kịp thời của Ngân hàng Chính sách xã hội thì không có vườn cà phê hơn 10ha này mà cũng chẳng có cuộc sống ấm no như ngày hôm nay. Rồi ông Phiu kể lại cuộc sống khốn khó gần 13 năm trước, nhà có tới 7 khẩu nhưng chỉ có 2 lao động chính; bố mẹ già yếu, 3 đứa con nheo nhóc, quanh năm làm nương, trồng lúa, tra ngô nhưng đói nghèo vẫn đeo bám. Cuộc sống chỉ thực sự sang “trang” khi gia đình ông Phiu được vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo phát triển sản xuất, chăn nuôi. Chịu khó học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc, phòng bệnh cho cây cà phê; ông Phiu còn tận dụng diện tích dưới tán cà phê để chăn nuôi gia cầm “lấy ngắn nuôi dài”. Chăm chỉ làm lụng, hạch toán kinh doanh, đến năm 2008, gia đình ông Phiu không chỉ trả hết nợ ngân hàng mà còn tích lũy được chút vốn để tái sản xuất. Ý chí làm giàu là động lực để ông tiếp tục vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Ảng (chương trình tín dụng cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn) để mở rộng đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi dê, trâu bò; trồng rừng và đào ao, thả cá… Sử dụng đồng vốn vay hiệu quả đã giúp gia đình ông Phiu trả cả lãi lẫn gốc đúng kỳ hạn mà lại tích lũy thêm vốn mở rộng sản xuất, cải thiện cuộc sống. Ðến năm 2016, từ ngồn vốn vay ưu đãi của chương trình giải quyết việc làm, gia đình ông Phiu được vay 50 triệu đồng cộng với số tiền tiết kiệm mua ô tô vận chuyển phân bón, thu hoạch cà phê và chở thuê cho các hộ trong khu vực vào lúc nông nhàn. Hiện nay với “tài sản” là hơn chục héc ta cà phê trong giai đoạn thu hoạch, đàn trâu bò 25 con, gần 50 con dê, gần 1.000 con gia cầm, thủy cầm; chiếc ô tô trị giá hơn 500 triệu đồng... Từ hộ nghèo, gia đình ông Phiu đã trở thành hộ có thu nhập khá, trừ chi phí lợi nhuận thu về khoảng 350 triệu đồng/năm. Mô hình kinh tế này còn tạo việc làm thường xuyên cho chục lao động trong bản với thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.

Xuất phát điểm là hộ nghèo, nhưng nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội nhiều hộ đã thoát nghèo, có cuộc sống khá giả như gia đình ông Bạc Cầm Phiu ở bản Nà Dên ngày càng nhiều hơn ở các địa phương trong toàn tỉnh. Ðiều này được lý giải bởi chính những người nghèo, đó là khó khăn nhất về nguồn vốn ưu đãi nay đã được “khơi thông”, thì vấn đề tiếp cận khoa học kỹ thuật để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; lựa chọn các mô hình sản xuất kinh doanh sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Có vốn, có kiến thức sản xuất, chăn nuôi cộng với nghị lực vươn lên thoát nghèo đã có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hộ nghèo đã bứt phá đi lên như thế.

Với mạng lưới hoạt động là các điểm giao dịch cố định đặt tại 130/130 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, tạo thuận lợi cho người nghèo cũng như các đối tượng chính sách tiếp cận với các dịch vụ tài chính tín dụng và tiết giảm các chi phí giao dịch. Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Ðiện Biên đang thực hiện 18 chương trình tín dụng. Ðến cuối tháng 4/2018 đã có 97.037 hộ được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi với tổng số tiền hơn 2.558 tỷ đồng. Trong đó cho vay hộ nghèo là chương trình tín dụng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong hoạt động tín dụng, chiếm hơn 48,3% tổng dư nợ và chiếm hơn 40% số khách hàng vay vốn. Hiện dư nợ đạt hơn 1.236,6 tỷ đồng với 39.179 hộ còn dư nợ. Chương trình tín dụng này đã giúp hơn 25 nghìn lượt hộ thoát nghèo, trên 80 nghìn hộ được cải thiện về đời sống, chuyển biến nhận thức và cách thức làm ăn. Tiếp sau đó là một số chương trình tín dụng có dư nợ lớn, như: cho vay sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn (492,8 tỷ đồng); cho vay hộ cận nghèo (gần 311,6 tỷ đồng); cho vay về nhà ở (gần 115 tỷ đồng); cho vay hộ thoát nghèo (114,3 tỷ đồng); tín dụng cho vay hỗ trợ tạo việc làm (hơn 92 tỷ đồng); cho vay đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn (trên 83 tỷ đồng)... Với sự liên kết chặt chẽ giữa ngân hàng với các tổ chức chính trị - xã hội làm ủy thác một số khâu trong quá trình cho vay, cùng với tổ tiết kiệm - vay vốn đã phát huy được đa dạng nguồn lực để chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, quản lý và hướng dẫn người nghèo, các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả và đảm bảo khả năng hoàn trả; đồng thời phát triển kinh tế.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top