Thanh toán không dùng tiền mặt

Nhiều tiện ích

08:40 - Thứ Tư, 02/05/2018 Lượt xem: 8565 In bài viết
ĐBP - Vài năm trước việc thanh toán không dùng tiền mặt còn là điều lạ lẫm, mới mẻ với người dân, nhưng đến nay hình thức thanh toán qua thẻ, tài khoản đã trở nên khá phổ biến. Cùng với đó là sự ra đời của dịch vụ ngân hàng và các mô hình thương mại hiện đại đã giúp cho việc thanh toán không dùng tiền mặt trở nên gần gũi, thiết thực hơn.

Thay vì như trước, nhân viên ngành điện, viễn thông phải đến gia đình để thu tiền hàng tháng thì nay đều được thanh toán qua ngân hàng hoặc các tổ chức trung gian. Không quá khó để sử dụng dịch vụ này khi nhiều ngân hàng đều đang triển khai thu hộ tiền điện, cước viễn thông, truyền hình, phí bảo hiểm... nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đã đem lại nhiều tiện lợi. Ðầu tiên phải kể đến là người tiêu dùng. Hưởng lợi từ tiện ích này của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty Ðiện lực Ðiện Biên, gia đình anh Phạm Duy (phường Thanh Bình, TP. Ðiện Biên Phủ) không phải chờ đến ngày thu tiền điện của khu phố mình rồi đem tiền ra hội trường nhà văn hóa để nộp như trước mà chỉ cần đăng ký dịch vụ trả tiền điện qua tài khoản với Agribank. Nhờ đó, anh Duy và nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ không lo bị cắt điện tạm thời mỗi khi chậm trả tiền điện hoặc phải lên tận trụ sở Ðiện lực TP. Ðiện Biên Phủ đóng tiền điện. Còn tại Siêu thị Hoa Ba các cổng thanh toán đều lắp đặt cổng thanh toán POS, chấp nhận thẻ ngân hàng Agribank, BIDV, Vietinbank phát hành. Lượng khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng…

 

Siêu thị Hoa Ba đơn vị tiên phong trong thực hiện phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Hiện có 9 đơn vị tham gia vào hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt toàn tỉnh là: Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ðầu tư và Phát triển, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương... Cùng với đó, tại các huyện, thị xã, thành phố đã có 78 thiết bị chấp nhận thẻ POS được lắp đặt; 68 siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng dịch vụ có lắp thiết bị chấp nhận thẻ cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 37 đơn vị kinh doanh, nhà cung cấp các dịch vụ (điện, nước, viễn thông và truyền thông…) chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình thông qua hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; 834 đơn vị hưởng lương ngân sách Nhà nước thực hiện trả lương qua tài khoản… Ðiều này khiến cho việc thực hiện thanh toán không sử dụng tiền mặt thuận lợi hơn. Tính đến cuối năm 2017, doanh số thanh toán không dùng tiền mặt đạt hơn 31.607 tỷ đồng (chiếm gần 73%/tổng doanh số thanh toán chung). Số tài khoản cá nhân của khách hàng mở tại các ngân hàng thương mại đạt 103.230 tài khoản, với số dư 660.500 tỷ đồng.

Mục tiêu Ðề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, đặt ra đến cuối năm 2020, tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt từ 80% trở lên trong tổng doanh số thanh toán qua hệ thống ngân hàng. Ðẩy mạnh phát triển các dịch vụ thanh toán điện tử trong thương mại điện tử, thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại các điểm bán hàng, như: Trên 90% siêu thị, trung tâm mua sắm và cửa hàng dịch vụ trong toàn tỉnh có lắp đặt các thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 100% đơn vị kinh doanh, nhà cung cấp dịch vụ chấp nhận thanh toán hóa đơn của cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt… Tỉnh đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các dịch vụ thanh toán điện tử trong thương mại điện tử tại các lĩnh vực, như: Thu, nộp thuế; thu phí, lệ phí, thủ tục hành chính; thanh toán cước, phí cho các dịch vụ thường xuyên và định kỳ (điện, nước, điện thoại, internet, truyền hình cáp…); triển khai ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử mới. Khuyến khích các cơ sở kinh doanh bán lẻ hàng hóa, dịch vụ chấp nhận, sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử và hỗ trợ khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử trong quá trình mua bán hàng hóa, dịch vụ. Ðẩy mạnh triển khai thực hiện thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ hành chính công; tăng cường kết nối xử lý giải pháp trao đổi thông tin dữ liệu giữa các cơ quan Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Cục Thuế tỉnh với hệ thống các ngân hàng thương mại trên địa bàn để đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước bằng phương thức điện tử, nhất là thu, nộp thuế điện tử góp phần hỗ trợ công tác quản lý, thu thuế tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân cùng thực hiện thông qua các dịch vụ thanh toán điện tử trong việc thu, nộp thuế điện tử.

Với những tiện ích mang lại từ việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và sự vào cuộc quyết liệt của UBND tỉnh và các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, mục tiêu tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn đạt từ 80% trở lên trong tổng doanh số thanh toán qua hệ thống ngân hàng khả năng hiện thực hóa là vô cùng khả quan.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top