Áp dụng khoa học kỹ thuật cải tạo đất hoang hóa

09:03 - Thứ Tư, 09/05/2018 Lượt xem: 8975 In bài viết
ĐBP - Nhằm mở rộng diện tích canh tác, cải tạo diện tích đất sản xuất hướng tới sản xuất bền vững, nâng cao nhận thức của nông dân về kỹ thuật sản xuất, nhiều năm qua Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Ðiện Biên đã triển khai nhiều mô hình với mục đích giúp nông dân biết và áp dụng khoa học kỹ thuật mới, tiếp cận giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao thay thế những giống địa phương hiệu quả thấp. Trong đó, điển hình là mô hình sản xuất trên bãi khai hoang bản Ta Lét II, xã Hẹ Muông (huyện Ðiện Biên).

 

Người dân bản Ta Lét chăm sóc ngô.

Bãi khai hoang trồng lúa nước bản Ta Lét II được hình thành từ năm 2011 với tổng diện tích trên 10ha, nhưng do hệ thống thủy lợi nơi đây không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất lúa nước nên hầu hết diện tích này bị bỏ hoang, trở thành bãi chăn thả gia súc. Trước thực trạng đó, năm 2017, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở triển khai 2 mô hình sản xuất: Mô hình nhân rộng thâm canh giống ngô lai NK 7328, LVN 885 vụ xuân hè và mô hình sản xuất đỗ đen vụ thu đông nhằm phát huy tiềm năng diện tích đất khai hoang này. Tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ về vật tư, giống và tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất mới. Vụ sản xuất đầu tiên trên đất phục hóa, được áp dụng giống mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật nên cây trồng đạt năng suất cao (đỗ đen đạt 1,4 tấn/ha; 2 giống ngô trung bình đạt 7 tấn/ha). Kết quả từ 2 mô hình góp phần thay đổi nhận thức của người dân về việc áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, tăng hệ số sử dụng đất, tăng năng suất, giá trị trên cùng đơn vị diện tích, qua đó tạo điều kiện để người dân nơi đây đa dạng hóa phương thức sản xuất, canh tác bền vững trên diện tích hoang hóa…

Ông Lường Văn Chiêng, Trưởng bản Ta Lét II cho biết: Bản có 80 hộ có đất canh tác trên bãi khai hoang. Ban đầu khi có cán bộ khuyến nông đến vận động tham gia vào mô hình, các hộ còn e ngại, do bãi bỏ hoang lâu năm, chưa biết hiệu quả kinh tế ra sao? trồng được những cây gì? Sau một thời gian được cấp ủy, chính quyền và cán bộ khuyến nông tích cực vận động, người dân chủ động góp kinh phí thuê máy móc phục hóa diện tích bỏ hoang. Ông Chiêng cho biết thêm: Gia đình tôi có hơn 3.000m2 đất ở bãi Ta Lét. Năm 2017, tôi trồng 1 vụ ngô và 1 vụ đỗ đen, cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Vụ sản xuất này là vụ thứ 3, tôi chủ yếu trồng ngô. Nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nên hiện cây ngô sinh trưởng, phát triển tốt.

Từ những kết quả tích cực mô hình đem lại, để nhân rộng mô hình, cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chuyên môn, các địa phương cần phối hợp, tạo điều kiện khảo nghiệm; nông dân mạnh dạn tham gia mô hình nhằm tìm ra giải pháp tối ưu trong quá trình sản xuất và quyết tâm từ bỏ lối canh tác cũ, từng bước tiếp cận với những tiến bộ kỹ thuật mới góp phần phát triển sản xuất bền vững.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top