Chủ trương đổi đất lấy hạ tầng

Thận trọng từng bước

08:59 - Thứ Năm, 10/05/2018 Lượt xem: 8679 In bài viết
ĐBP - Năm 2018, nhằm tiếp tục đẩy mạnh vận động xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế, UBND tỉnh đang giao các ngành tham mưu chủ trương đầu tư cho 9 dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), với tổng vốn đầu tư khoảng 1.680 tỷ đồng. Ðây là những dự án đầu tư theo hình thức mới trên địa bàn tỉnh, thể hiện quyết tâm của tỉnh trong thu hút đầu tư. Tuy nhiên, với những bài học từ các địa phương đi trước, tỉnh cũng hết sức thận trọng trong công tác triển khai, quản lý, giám sát.

 

Vị trí dự kiến đấu giá đầu tư khu thương mại, nhà ở thương mại TP. Ðiện Biên Phủ.

Thu hút doanh nghiệp lớn để phát triển hạ tầng

Những tháng đầu năm 2018, một trong những chủ trương thu hút sự quan tâm lớn của người dân trên địa bàn tỉnh là việc chấp thuận của UBND cho phép Tập đoàn Vingroup nghiên cứu thực hiện dự án đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, nhà ở thương mại (Shop House) tại TP. Ðiện Biên Phủ theo hình thức PPP. Theo đó, vị trí mặt bằng dự kiến đầu tư dự án được xác định tại lô đất DV09 và DV11, cụ thể: Phía bắc giáp Quảng trường 7/5; phía đông giáp đường nhánh nối của đường Phan Ðình Giót (cạnh quán cà phê NEW); phía tây giáp đường Võ Nguyên Giáp và phía nam giáp Khách sạn Hà Nội - Ðiện Biên Phủ, tổng diện tích khu đất là 11.794m2. Cùng với đó, trong khi chờ xây dựng Trung tâm Hành chính - chính trị tỉnh mới (dự kiến tại phường Noong Bua, TP. Ðiện Biên Phủ) 14 cơ quan, đơn vị có trụ sở thuộc mặt bằng dự kiến đầu tư Dự án sẽ tạm thời xen ghép hoặc thuê trụ sở làm việc để giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Trao đổi với chúng tôi về quan điểm thu hút đầu tư nói chung và các bước triển khai dự án của Tập đoàn Vingroup nói riêng, ông Vũ Lệnh Nghị, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư cho biết: Trên cơ sở tổng hợp các văn bản tham mưu của liên ngành: Tài chính - Tài nguyên và Môi trường - Kế hoạch và Ðầu tư - Xây dựng - UBND TP. Ðiện Biên Phủ xem xét nội dung đề xuất Dự án của Tập đoàn Vingroup, theo ý kiến của Sở Kế hoạch và Ðầu tư, việc đầu tư Trung tâm thương mại, nhà ở thương mại tại lô đất DV09, DV11 nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chi tiết khu trung tâm hiện hữu TP. Ðiện Biên Phủ từ Ðồi E đến cầu Trắng đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 826/QÐ-UBND ngày 15/9/2017. Trong giai đoạn nguồn vốn đầu tư công đang hết sức khó khăn hiện nay, việc tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng khu đất trên sẽ tạo được nguồn vốn quan trọng để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm hành chính, chính trị tỉnh mới và góp phần đưa TP. Ðiện Biên Phủ trở thành đô thị loại II trước năm 2020. Cùng với đó, để thống nhất cách hiểu theo quy định, trên cơ sở ý kiến của các ngành, Sở Kế hoạch và Ðầu tư cũng đề nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết các lô đất trên từ đất thương mại dịch vụ thành đất sử dụng hỗn hợp (đất thương mại dịch vụ và đất ở thương mại) trước khi đấu giá quyền sử dụng đất. Theo quan điểm của ông Vũ Lệnh Nghị, chủ trương của tỉnh là thu hút đầu tư để nâng cấp hạ tầng đô thị, dịch vụ, đưa tỉnh phát triển. Với tiềm lực của một tập đoàn lớn như Vingroup, đây là cơ hội để chúng ta thay đổi bộ mặt đô thị Ðiện Biên Phủ. Tuy nhiên, các ngành chuyên môn đề nghị việc xây dựng phải phù hợp, hài hòa, quy mô mang tính bền vững lâu dài. Hiện các ngành đã cơ bản tham mưu các giải pháp triển khai thực hiện và chờ thông báo kết luận của UBND tỉnh.

Không đánh đổi bằng mọi giá

Chia sẻ quan điểm cá nhân về chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư PPP, ông Phạm Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: Ðối tác công tư với các hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh trong một thời gian nhất định) đã hình thành và phát triển trong khoảng 20 năm trở lại đây. Ðối với địa phương có tiềm lực tài chính khó khăn như tỉnh ta, phải cân đối nguồn tài nguyên đất để nâng cao nguồn thu, đầu tư cơ sở hạ tầng là chủ trương cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Chủ trương như vậy là đúng nhưng xét về các quy định trong hệ thống pháp lý thì chưa chặt chẽ. Thứ nhất, quan điểm đổi đất lấy hạ tầng để thoát ly đầu tư công là không ổn! Ðặc biệt là trong hợp đồng BT, khi xây dựng công trình, địa phương phải trả cho nhà đầu tư bằng đất (đầy đủ là quyền sử dụng đất), trong khi đất là tài nguyên thuộc quản lý toàn dân mà đại diện là Nhà nước nên phải chịu sự chi phối của Luật Ðầu tư công. Cùng với đó, việc xác định khái niệm “ngang giá” khi trao đổi nếu không qua hình thức đấu giá là như thế nào? Giá đất sẽ không thể tiếp cận giá thị trường nếu không đấu giá và sẽ rất khó tách bạch về giá trị. Cùng với đó, dấu ấn của công tác quản lý Nhà nước đối với hình thức này sẽ rất mờ nhạt. Hay như hình thức BOT cũng vậy, qua các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua, chúng ta đã nhận thức ra bản chất của một số nhà đầu tư là “tay không bắt giặc” khi tiền thì vay từ Nhà nước nhưng lại đầu tư theo hình thức công - tư. Việc quá sa đà vào hình thức đổi đất lấy hạ tầng sẽ để lại những hệ lụy, thậm chí hậu quả nặng nề như: Tham nhũng, lợi ích nhóm quy mô lớn, gây mất lòng tin của nhân dân, bất ổn về an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, trong khi chờ những quy định mới bổ sung cho các văn bản quy phạm pháp luật chưa chặt chẽ từ các ngành Trung ương (nhất là Nghị định 15 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư), chúng ta phải kiểm soát được chi phí, giám sát quản lý được chất lượng đối với các công trình BT, BOT. Và để làm được điều này, các ngành cần tham mưu xây dựng được văn bản quy phạm pháp luật riêng, thông qua HÐND tỉnh để triển khai thực hiện.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top