Di dân ra khỏi vùng thiên tai

Bài toán khó

09:01 - Thứ Năm, 10/05/2018 Lượt xem: 8498 In bài viết
ĐBP - Những năm gần đây, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh ta diễn biến phức tạp, hiện tượng lũ quét, sạt lở đất xảy ra ở nhiều nơi, mức độ nghiêm trọng ngày càng gia tăng, gây thiệt hại lớn về tài sản, khiến tính mạng con người bị đe dọa. Hiện nay, công tác cảnh báo, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai được các địa phương quan tâm thực hiện, nhất là phương án di dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng lũ quét, lũ ống. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng thuận lợi trong quá trình thực hiện công tác di dân ra khỏi vùng thiên tai.


Một góc bản Co Pục (xã Hua Thanh) - khu vực sinh sống của 17 hộ dân vùng nguy cơ sạt lở đất, lũ quét.

Nậm Pồ là một trong những huyện có số hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét lớn nhất tỉnh. Theo số liệu thống kê, đến thời điểm 31/12/2016, huyện có 55 hộ dân, 307 khẩu thuộc vùng có nguy cơ cao ảnh hưởng bởi thiên tai cần phải di dời, trong đó: xã Nà Bủng 18 hộ, 88 nhân khẩu; Nậm Nhừ 1 hộ, 6 nhân khẩu; Chà Nưa 3 hộ, 18 khẩu; Nà Hỳ 11 hộ, 69 khẩu; Nà Khoa 9 hộ, 61 khẩu; Vàng Ðán 1 hộ, 18 khẩu và Chà Tở 9 hộ, 46 khẩu. Tuy nhiên, huyện Nậm Pồ mới triển khai di dời được 6/55 hộ dân ra khỏi vùng này, đạt 11% kế hoạch. Ông Vũ Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Pồ cho biết: Công tác di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng thiên tai trên địa bàn huyện Nậm Pồ gặp rất nhiều khó khăn. Ðối với chính quyền các xã, khó khăn là: Người dân không có quỹ đất để tái định cư; không muốn rời xa nơi ở cũ để thuận tiện cho sinh hoạt và sản xuất; đa số các hộ là hộ nghèo không có tiền đối ứng thực hiện việc di dời sang nơi ở mới… Ðối với cấp huyện, khó khăn lớn nhất cũng là yếu tố quyết định đến việc thành bại trong công tác di dời dân khỏi vùng nguy hiểm, đó là nguồn kinh phí. Hàng năm, huyện tổ chức khảo sát, rà soát và triển khai sắp xếp ổn định dân cư theo Quyết định 1776/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/11/2012 về phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020, với mức kinh phí hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn vốn theo Quyết định số 1776/QÐ-TTg không được bố trí hoặc phân bổ chậm nên huyện gặp khó khăn trong triển khai thực hiện. Khó khăn là vậy, nhưng hàng năm, huyện vẫn cố gắng trích nguồn kinh phí từ ngân sách dự phòng huyện, lồng ghép các nguồn vốn và kêu gọi các nguốn hỗ trợ từ các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài huyện để thực hiện việc bố trí, sắp xếp và di dời các hộ dân đến nơi ở mới an toàn.

2017 là năm thành công của huyện Nậm Pồ đối với công tác di dân ra khỏi vùng thiên tai. Trong năm, huyện Nậm Pồ đã di dời được 55 hộ dân đến nơi ở mới. Tổng nguồn vốn thực hiện 1,1 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn vốn theo Quyết định 1776 là 300 triệu đồng; Quỹ Bảo trợ Ủy ban MTTQ TP. Hồ Chí Minh 375 triệu đồng; nguồn vốn đảm bảo an sinh xã hội 125 triệu đồng và ngân sách dự phòng huyện 320 triệu đồng. Trên cơ sở nguồn vốn đã có, chính quyền các xã và chính các hộ dân đã chủ động bố trí đất tái định cư để di dời tranh thủ sự hỗ trợ của huyện. Ðến nay, huyện Nậm Pồ đã cơ bản di dời xong 55 hộ dân trong vùng thiên tai theo rà soát năm 2016. Ông Giàng A Dũng, nhóm Chăn Nuôi, xã Nà Khoa cho biết: “Trước đây, gia đình tôi sinh sống ven suối, đến mùa mưa người thường phải đến ở nhờ nhà anh em họ hàng. Năm 2017, được chính quyền xã Nà Khoa hỗ trợ đất tái định cư và UBND huyện hỗ trợ 20 triệu đồng, gia đình tôi đã chuyển lên sinh sống tại nơi ở mới an toàn. Từ nay, gia đình tôi yên tâm lao động sản xuất, không phải nơm nớp lo sợ lũ quét vào mùa mưa”. Năm 2018, huyện Nậm Pồ tiếp tục rà soát và có kế hoạch di dời 15 hộ dân ra khỏi vùng thiên tai, song đến nay vẫn chưa được bố trí nguồn vốn. Huyện đang hoàn thiện công tác chuẩn bị, khi có vốn sẽ triển khai thực hiện ngay, với mục tiêu là di dời các hộ trước mùa mưa năm 2018.

Di dời dân ra khỏi vùng thiên tai đang là bài toán khó đối với tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh. Không phải huyện nào cũng có thể chủ động nguồn vốn, các xã sẵn quỹ đất để sắp xếp bố trí cho các hộ dân. Ðơn cử như huyện Ðiện Biên, theo kế hoạch, giai đoạn 2015 - 2020, huyện dự kiến di dời 238 hộ với 1.098 khẩu ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, toàn huyện mới di dời được 4 hộ, đạt 1,68% kế hoạch.

Bản Co Pục (xã Hua Thanh) có 17 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đất, lũ quét đã được cảnh báo từ những năm 2000. Những năm gần đây, bản Co Pục đón rất nhiều đoàn kiểm tra của tỉnh, huyện; đoàn giám sát của HÐND tỉnh nhưng đến nay, 17 hộ dân này vẫn chưa thể di dời đến nơi ở mới an toàn. Ông Quàng Văn Lảng, bản Co Pục cho biết: Ðến mùa mưa tôi luôn nơm nớp lo sợ, chỉ cần mưa liên tục khoảng 2 - 3 tiếng là cả nhà phải di chuyển lên nhà văn hóa bản trú tạm. Tôi rất mong muốn được di dời đến nơi ở mới an toàn để ổn định cuộc sống.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lò Văn Ðôi, Phó Chủ tịch UBND xã Hua Thanh cho biết: Xã Hua Thanh hiện có 29 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Nhiều năm nay, xã liên tục đề nghị huyện hỗ trợ để di chuyển các hộ ra khỏi vùng thiên tai nhưng do huyện chưa bố trí được vốn nên xã cũng chưa thể triển khai thực hiện. Trước đây bản Co Pục có 21 hộ thuộc diện phải di dời, đến nay, đã di dời được 4 hộ, còn 17 hộ chưa di dời. Hiện nay, có rất nhiều khó khăn cần giải quyết để có thể di dời 17 hộ dân này. Ðầu tiên là, huyện chưa bố trí được vốn, nhưng nếu có vốn thì người dân cũng không có tiền đối ứng để di dời, bởi vì số tiền hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ là quá ít để di chuyển, tái định cư tại nơi ở mới. Thứ 2 là, bản Co Pục đã hết quỹ đất, không thể bố trí cho các hộ tái định cư tại chỗ. Chính quyền xã đã có phương án bố trí cho các hộ này tái định cư tại các bản Tâu 5, Tâu 6, Tâu 7. Tuy nhiên, các hộ lại không đồng ý với phương án này, lý do là khác dân tộc, nơi ở mới xa khu vực sản xuất. Mặc dù có nhiều đoàn tới kiểm tra, rà soát nhưng đến nay vẫn chưa có phương án tối ưu để di dời 17 hộ dân ở bản Co Pục.

Thiếu vốn, thiếu quỹ đất tái định cư và phương án bố trí, sắp xếp phải phù hợp với phong tục, tập quán của các hộ dân… đang là những khó khăn đối với chính quyền các huyện trong công tác di dời dân ra khỏi vùng thiên tai. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ bắt buộc nhằm giảm thiểu thiệt hai do thiên tai, nhất là thiệt hại về người. Do đó, thiết nghĩ, chính quyền các địa phương cần linh hoạt trong việc lồng ghép các nguồn vốn, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và đồng thuận với các phương án bố trí ở xen ghép tại các bản. Qua đó, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác di dời dân ra khỏi vùng thiên tai.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top