Phát triển GTNT ở vùng cao

Có tiền… chưa chắc đã xong

08:37 - Thứ Sáu, 11/05/2018 Lượt xem: 8713 In bài viết
ĐBP - Bên cạnh nguyên nhân chính là thiếu vốn, thì ý thức một bộ phận người dân đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển giao thông nông thôn (GTNT) vùng cao trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, mặc dù được các cấp, ngành quan tâm tạo điều kiện, nhưng đến nay việc đầu tư, xây dựng hệ thống GTNT trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, bất cập…

Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” và lồng ghép với các Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Nghị quyết 30a, Chương trình 135; các nguồn vốn hỗ trợ như WB, Jika… những năm qua, hệ thống GTNT vùng cao trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư phát triển. Riêng năm 2017, toàn tỉnh đã mở mới 45,2km đường dân sinh, 53km đường ô tô, nâng tổng chiều dài đường GTNT toàn tỉnh lên hơn 8.100km, trong đó đường xã, đường dân sinh thôn bản, đường nội đồng có chiều dài hơn 5.300km.

 

Người dân bản Noong Giáng, xã Quài Nưa (huyện Tuần Giáo) góp công sức làm đường GTNT.

Tuy nhiên, do địa bàn rộng, địa hình phức tạp, có nhiều xã, bản cách trung tâm đô thị đến vài chục kilômét nên dù được quan tâm đầu tư song chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Vì vậy, hiện nay vẫn còn rất nhiều xã, bản vùng cao hệ thống giao thông còn khó khăn, thiếu đồng bộ, nhất là huyện Nậm Pồ. Trong khi đó, là tỉnh nghèo, khả năng tự lo vốn hạn chế, nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông chủ yếu phụ thuộc vào Trung ương. Những năm gần đây, nguồn lực này bị cắt giảm đáng kể, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch phát triển giao thông của địa phương. Kinh phí để đầu tư xây dựng hệ thống GTNT cần rất lớn, trong khi việc huy động vốn đối ứng trong nhân dân không hiệu quả và gần như là không có vì đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương đến địa phương và các nguồn vốn hỗ trợ khác, kết quả thực hiện năm 2017 là hơn 371 tỷ đồng. Ðây là con số quá nhỏ để thực hiện cả một núi công việc liên quan đến phát triển hệ thống giao thông trên toàn tỉnh chứ không chỉ riêng đầu tư cho hệ thống GTNT vùng cao. Trong khi đó, nhiều tuyến đường giao thông vùng cao cần rất nhiều vốn mới có thể thực hiện được, như: đường vào xã Huổi Mí (Mường Chà); Pú Xi (Tuần Giáo)…

Bên cạnh việc thiếu vốn, thì một trong những nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến phát triển hạ tầng GTNT là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Những nơi phát triển, bởi giá đất cao, thủ tục vướng mắc. Song thực tế, những năm gần đây, công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn các xã, bản vùng cao tỉnh ta cũng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn khu vực thành thị, bởi tục “phép vua thua lệ làng”. Ðơn cử, trong câu chuyện của chúng tôi với ông Lê Văn Hà, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tuần Giáo, về vấn đề phát triển giao thông trên địa bàn huyện, cho biết: “Thiếu vốn là một chuyện, nhưng có tiền rồi chưa chắc đã xong”. Khi chúng tôi còn chưa kịp hiểu vấn đề, ông Hà tiếp lời: Bên cạnh một bộ phận người dân tình nguyện hiến đất, góp tiền, góp ngày công mỗi khi có dự án, công trình hạ tầng giao thông đầu tư trên địa bàn thì cũng có một bộ phận người dân lại khá “rắn” trong việc này. Thậm chí, dự án chỉ cần đi qua đất nhà họ, lập tức gây khó dễ bằng cách này, cách nọ, yêu cầu Nhà nước phải đền bù giá cao. Nếu không sẽ làm khó dễ các đơn vị thực hiện. Ðơn cử, tuyến đường vào trung tâm xã Mường Khoong, đây là 1 trong 2 tuyến đường khó khăn nhất của huyện (đường đất, chỉ đi được mùa khô). Mặc dù chưa được đầu tư vì thiếu vốn thế nhưng qua khảo sát, một số hộ dân thẳng thắn cho rằng nếu Nhà nước đầu tư dự án qua đất nhà họ thì phải bồi thường giá cao; thậm chí không nhận tiền bồi thường để đòi giá cao hơn. Theo ông Hà, không chỉ riêng tuyến đường vào Mường Khoong mà còn nhiều nơi khác cũng xuất hiện tình trạng này, đang gây khó dễ cho các đơn vị thực hiện.

Ðể thực hiện được Ðề án Bê tông hóa GTNT tỉnh giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra thì các cơ quan chức năng còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, tiếp tục phát huy nội lực, kết hợp và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và các tổ chức quốc tế, lồng ghép hiệu quả các chương trình giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 30a; chương trình xây dựng nông thôn mới... Ðặc biệt, tuyên truyền, vận động người dân tham gia hiến đất, góp công và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ quan chức năng dễ dàng thi công khi có dự án.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top